Thông tin cần biết

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế

Hiền Nguyễn 17/02/2025 - 14:05

Sáng ngày 17/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo tham vấn "Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược".

Đây là sự kiện quan trọng trong bối cảnh ngành Điện Việt Nam đối mặt với nhiều biến động và yêu cầu cấp bách về đổi mới, thích ứng với xu thế phát triển năng lượng sạch.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các thành viên Hội đồng thẩm định; đại diện các bộ, ngành; Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương; các chuyên gia phản biện; đại diện các Tập đoàn, các đơn vị ngành điện; đại diện các hiệp hội và các trường đại học; đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài…

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết: Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác định mục tiêu phấn đấu của Việt Nam trong năm 2025 là đạt tăng trưởng kinh tế thấp nhất 8%, phấn đấu ở mức 2 con số trong những năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thì mục tiêu tăng trưởng về năng lượng, đặc biệt là điện năng cần đạt hệ số 1,4 – 1,5% mới có thể đáp ứng được những yêu cầu đề ra.

z6324672980808_5cb4f03f166c4902a31bda3691221505.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại Hội thảo

Chính phủ yêu cầu Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII phải bám sát mục tiêu, định hướng của Quy hoạch điện VIII, cụ thể hóa được các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đảm bảo phát triển nguồn điện cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung – cầu nội vùng; đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và linh hoạt trong phát triển nguồn/lưới điện phù hợp với bối cảnh, nguồn lực quốc gia; Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển điện lực…

Mặt khác, theo cam kết của Việt Nam tại COP26 là đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, cần tăng rất nhanh về quy mô điện năng và thay đổi rất mạnh về cơ cấu. Cụ thể, đến năm 2030 tổng công suất cần gấp 2,5 - 3 lần công suất hiện có và đến năm 2050 thì phải đạt quy mô gấp 5 - 7 lần; giảm tối đa nguồn điện hóa thạch và tăng tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời), phát triển các nguồn năng lượng mới, sạch (như điện khí, điện hạt nhân). Với những lý do đã nêu, việc xây dựng Quy hoạch điện VIII điều chỉnh là hết sức cần thiết, theo luật Quy hoạch thì cần điều chỉnh theo chu kỳ 5 năm một lần và năm 2025 là năm thuộc chu kỳ điều chỉnh theo quy định, đồng thời cũng cần phải được điều chỉnh để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng kinh tế của đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

z6324668400065_af613f51eb098bcdc33f5eb4fdfca637.jpg
TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo

TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương dự báo có 4 kịch bản về nhu cầu sử dụng điện được đưa ra gồm: Kịch bản thấp phản ánh thực tế dự báo tăng trưởng cập nhật của các tổ chức quốc tế khi nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Kịch bản này là kết quả tham khảo đối với các điều hành đáp ứng cung cầu điện trong ngắn hạn; Kịch bản cơ sở vẫn cho thấy mức tăng trưởng cao đối với GDP và điện thương phẩm giai đoạn quy hoạch. Đối với phạm vi của điều chỉnh quy hoạch, dự báo này vẫn có căn cứ pháp lý vững chắc nhất, tuân thủ mục tiêu tăng trưởng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia; Kịch bản cao phán ánh nhu cầu điện trong trường hợp nền kinh tế phát triển tăng tốc giai đoạn 2026-2030, đạt mức tăng trưởng GDP cao “hai con số”, phát huy hiệu quả của các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô sau giai đoạn giảm sút tăng trưởng do tác động của dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu; Kịch bản cao đặc biệt phản ánh nhu cầu điện trong trường hợp nền kinh tế phát triển tăng tốc trong giai đoạn 2026-2030 và tiếp tục duy trì tăng trưởng cao “hai con số” trong thời gian dài. Kịch bản này đảm bảo dự phòng cho phát triển điện lực trong dài hạn.

Dù đã xây dựng quyết liệt các cơ chế thực hiện Quy hoạch điện VIII, việc triển khai vẫn gặp nhiều trở ngại. Nhiều dự án quan trọng đang chậm tiến độ, đặc biệt là nguồn nhiệt điện khí LNG, khi chỉ có 3/13 dự án đang triển khai đúng kế hoạch. Các dự án tua-bin khí nội địa như Báo Vàng và Cá Voi Xanh gặp thách thức do chưa xác định rõ trữ lượng và tiến độ khai thác. Nhiều dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời gặp rào cản do giá điện chưa đủ hấp dẫn và quy trình thủ tục đầu tư còn phức tạp. Bên cạnh đó, các dự án điện khí nhập khẩu yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thời gian chuẩn bị và xây dựng kéo dài.

ty-trong-cong-suat-cac-nguon-dien-giai-doan-2025-2045-don-vi-.png
Tỷ trọng công suất các nguồn điện giai đoạn 2025 - 2045 (Đơn vị- %;)

Trong 11 dự án nhiệt điện than, hai dự án lớn là Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị (1.320 MW) và Sông Hậu II (2.120 MW) đã lần lượt bị dừng triển khai và chấm dứt hợp đồng BOT. Bên cạnh đó, các dự án điện gió ngoài khơi vẫn vướng mắc về quy hoạch không gian biển, cơ chế giao thí điểm và yêu cầu vốn đầu tư lớn, gây khó khăn trong triển khai. Với các cam kết quốc tế về Net Zero vào năm 2050, Chính phủ đã đề xuất tái khởi động chương trình điện hạt nhân. Đây được coi là hướng đi chiến lược nhằm bổ sung nguồn điện chạy nền, trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện truyền thống ngày càng gặp khó khăn.

Thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới các mục tiêu đã cam kết theo đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam.

z6324980346540_18cea85c58c854d22fb71169a9994132.jpg
Toàn cảnh Hội thảo
Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng không chỉ cơ bản đáp ứng yêu cầu đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền (gồm 6 tiểu vùng: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ), hạn chế truyền tải đi xa, tiết kiệm hàng chục tỷ USD đầu tư hạ tầng truyền tải, từ đó giúp giảm giá thành điện, mà còn đảm bảo cân đối giữa các nguồn điện, hướng tới giảm điện than, tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đáp ứng yêu cầu giảm phát thải ròng Carbon của Việt Nam về mức 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 vừa qua.
Đánh dấu một mốc mới và tạo động lực mạnh mẽ trên hành trình phát triển năng lượng xanh của Việt Nam, Quy hoạch điện VIII dự kiến tổng công suất nguồn điện lắp đặt trong hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW, và đạt khoảng 400.000 MW năm 2045, đáp ứng đầy đủ nhu cầu công suất phụ tải điện cực đại dự báo đến năm 2030 vào khoảng 93.300 MW, có mức độ dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền.
Quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng chú ý cập nhật và nâng cấp, chuẩn hóa các tiêu chuẩn định mức kỹ thuật ngành và yêu cầu bảo vệ môi trường, làm căn cứ cho việc xét duyệt, thông qua, triển khai và kiểm tra, giá sát, cũng như kiểm toán các dự án đầu tư về yêu cầu tuân thủ, về hiệu quả và chính sách…
2704_phatthairongbang01.jpg
Quy hoạch điện VIII góp phần giảm phát thải ròng Carbon về mức 0 vào năm 2050
Với tinh thần phát triển nguồn điện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 theo hướng bền vững, dành nhiều không gian cho phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch và thân thiện với môi trường với chi phí sản xuất điện hợp lý, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện, đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về giảm thiểu tối đa phát thải các loại khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp tạo nhiều động lực mới cho phát triển xanh và thu hẹp độc quyền nhà nước ở Việt Nam trên hành trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và đầy đủ hơn…

Hiền Nguyễn