Người trồng sắn ở Yên Bái dần chuyển sang cây trồng khác
(TN&MT) - Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã bước vào vụ sắn được 3 tháng, tuy nhiên sản lượng sắn bị sụt giảm do bị thối củ, chất lượng tinh bột thấp khiến người nông dân không còn mặn mà với cây sắn, nhà máy sản xuất thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Giá thấp, năng suất thấp
Theo người trồng sắn tại huyện Văn Yên những năm gần đây sắn củ đến vụ thu hoạch bị thối nhiều, dẫn đến sản lượng bị sụt giảm khiến người dân dần chuyển đổi sang cây trồng khác.
![z5725957340398_14026448a6dc72405751f257b4855065.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/12/z5725957340398_14026448a6dc72405751f257b4855065.jpg)
Ông Lê Thanh Nghị - Thôn Sặt Ngọt, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên cho biết: Năm 2023, gia đình ông trồng 1ha sắn trên đất dốc, khi thu hoạch bị thối và hỏng khoảng 5 tấn đến khi đưa đến Nhà máy chỉ thu về khoảng 25 tấn/1ha. Năm nay sắn củ của gia đình ông và nhiều hộ khác vẫn có hiện tượng thối như những năm trước. Người dân cũng đã tìm hiểu nhiều cách để khắc phục tình trạng này nhưng chưa hiệu quả. Với sản lượng giảm như vậy, năm nay gia đình ông Nghị bắt đầu trồng xen cây keo và cây quế để bảo đảm thu nhập cho gia đình.
Ngoài sản lượng bị sụt giảm, giá sắn cũng bị giảm đáng kể, bà Vũ Thị Lệ - Thôn Sặt Ngọt, xã Đông Cuông chia sẻ: “Năm ngoái sắn được giá có thời điểm trên 3.000 đồng/1kg sắn củ tươi. Năm nay giá sắn giảm một nửa giao động chỉ từ 1.500 đồng – 1.700 đồng/1kg, đối với những gia đình có nhân công để trồng, chăm sóc và thu hoạch như gia đình tôi thì may mắn vụ này không bị lỗ. Thế nhưng, đối với những hộ phải thuê người làm đến cuối vụ trừ chi phí thì lỗ nhiều hơn lãi”.
“Nếu sắn không bị thối, giá vẫn cứ ổn định ở mức 2.000 đồng/1kg thì đây vẫn là loại cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Chúng tôi vẫn tiếp tục gắn bó với cây sắn, nhưng giờ sắn mất mùa, giá không ổn định thì rất khó để mọi người tiếp tục duy trì vùng trồng sắn”, bà Lệ cho hay.
![z6311194086198_59418321f032bfd159c53f32fdd6ccfa.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/12/z6311194086198_59418321f032bfd159c53f32fdd6ccfa.jpg)
Theo ông Hà Hải Yến – Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên nguyên nhân dẫn đến giá sắn giảm nhiều so với năm ngoái do thị trường xuất khẩu tinh bột sắn bị chậm, sản phẩm sản xuất ra bị tồn kho. Chính nhu cầu nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc giảm mạnh đang tác động tới giá sắn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàm lượng tinh bột sắn củ ở huyện Văn Yên không cao chỉ từ 23-24%, nhiều nơi chỉ đạt 21%, có khi xuống 18%. Chính vì vậy, nhà máy không thể thu mua với giá cao so với các tỉnh khác như Lai Châu, Lào Cai.
Nhà máy vẫn thiếu nguyên liệu
Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái và các địa phương vẫn luôn qua tâm phát triển cây sắn. Bởi cây sắn là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên đất dốc. Yên Bái là một trong những địa phương có diện tích canh tác sắn khá cao của cả nước. Cây sắn được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên...là nơi cung cấp nguyên liệu cho 3 Nhà máy chế biến với công suất 56.000 tấn sản phẩm/năm.
Những năm trước đây, diện tích sắn của tỉnh đạt trên 16.000ha, sản lượng 317.040 tấn (năm 2014). Tuy nhiên, do việc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, ảnh hưởng của sâu bệnh gây hại và liên kết giữa nhà máy, doanh nghiệp với người trồng sắn chưa được chặt chẽ khiến diện tích trồng sắn giảm dần qua các năm (trung bình giảm 5% diện tích/năm). Từ năm 2014 đến nay, diện tích sắn giảm trên 50%, đến năm 2024, diện tích chỉ đạt 7.788ha khiến nhiều Nhà máy chế biến vẫn đang thiếu nguồn nguyên liệu phải mua từ các tỉnh khác.
![z6311008741630_edd8e6988a955fe7092eb1758fdb6a33.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/12/z6311008741630_edd8e6988a955fe7092eb1758fdb6a33.jpg)
Ông Hà Hải Yến – Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên cho biết: Hiện nay với công suất của Nhà máy hoạt động từ 800-900 tấn củ tươi một ngày. Nguyên liệu sắn của tỉnh Yên Bái cung cấp để nhà máy hoạt động mới chỉ đáp ứng được 80% công suất. Hằng năm, đến vụ sản xuất nhà máy phải thu mua thêm ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu…để hoạt động. Tuy nhiên, khi thu mua sắn ở các tỉnh thì chất lượng bị giảm đi rất nhiều do mất nhiều thời gian vận chuyển và chi phí tăng cao.
Hằng năm, nhà máy vẫn phối hợp với địa phương thực hiện Dự án “Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sắn gắn với canh tác bền vững trên đất dốc Văn Yên”. Qua đó, cung cấp phân vi sinh cho 8 xã trên địa bàn huyện Văn Yên. Đồng thời, hỗ trợ người dân chi phí trồng, chăm sóc và cam kết thu mua cho người dân với giá thị trường.
Có thể thấy, từ nhiều năm nay, cây sắn vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Văn Yên. Cây sắn thực sự đã mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân trong huyện, qua đó đã giúp các hộ dân xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, những năm gần đây năng suất và chất lượng của cây sắn bị sụt giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Theo ông Trần Đình Trọng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên nguyên nhân do cây sắn đã thâm canh nhiều năm, vì vậy đã xuất hiện nấm trong đất gây thối củ, thối thân.
![z6311010554396_3bae699af0f2b8242e2d2e073ec776fa.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/13/z6311010554396_3bae699af0f2b8242e2d2e073ec776fa.jpg)
Trong năm 2024, toàn huyện có 4.000ha diện tích đất trồng sắn, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc sắn trên đất dốc. Đồng thời, tiếp tục phát huy mối liên kết 4 nhà, trong đó UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp phối hợp với Nhà máy sắn Văn Yên cùng UBND các xã thực hiện Đề án, bón phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của Nhà máy với chế phẩm men vi sinh.
Qua đánh giá sơ bộ kết quả bước đầu cho thấy trên những diện tích đất dốc, canh tác nhiều năm, sắn được bón phân hữu cơ vi sinh có khả năng sinh trưởng, phát triển cao hơn 10-20%, tiềm năng năng suất cao hơn 16-17 % (đạt 35-40 tấn/ha) so với diện tích cùng trồng theo cách truyền thống của các hộ dân. Đặc biệt đối, với những diện tích được bón phân hữu cơ vi sinh đất được cải tạo, tơi xốp, độ ẩm cao giúp nâng cao năng suất và chất lượng cho những năm tiếp theo.
“Trong thời gian tới, để cây sắn gắn bó với người dân, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định mong muốn các doanh nghiệp, nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Hiệp hội sắn Việt Nam tổ chức liên kết sản xuất với các hộ dân trồng sắn. Đồng thời, cam kết về giá thu mua để duy trì nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động ổn định. Tỉnh Yên Bái cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu các biện pháp phòng chống sâu bệnh hại trên cây sắn, nhất là bệnh thối thân, thối củ trên cây sắn. Mặt khác, các Trung tâm, Viện nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu các giống sắn mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với địa phương để áp dụng trồng rộng rãi tại các xã trên địa bàn huyện”, ông Trần Đình Trọng mong muốn.