Môi trường

Không gian - yếu tố then chốt bảo tồn rùa biển

Nguyễn Hạnh (thực hiện) 13/02/2025 - 10:27

(TN&MT) - Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT về các nỗ lực bảo tồn rùa biển, bà Bùi Thị Thu Hiền - Quản lý chương trình biển và Vùng bờ - Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN Việt Nam) cho biết, tạo không gian cho rùa biển không chỉ có ý nghĩa bảo tồn mà còn hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, giáo dục và nâng cao nhận thức môi trường.

PV: Thưa bà, không gian đóng vai trò quan trọng như thế nào trong hoạt động bảo tồn rùa biển?

Bà Bùi Thị Thu Hiền: Không gian là yếu tố then chốt trong các nỗ lực bảo tồn rùa biển. Rùa biển cần những bãi cát yên tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và ánh sáng, không bị ô nhiễm rác và ít bị xáo trộn để đào tổ và đẻ trứng. Nếu không có không gian phù hợp, việc sinh sản của rùa biển sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

ba-bui-thi-thu-hien-quan-ly-chuong-trinh-bien-va-vung-bo-iucn-viet-nam-phat-bieu-tai-trien-lam-copy-2-.jpg
Bà Bùi Thị Thu Hiền - Quản lý chương trình biển và Vùng bờ - Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN Việt Nam)

Môi trường sống tự nhiên của rùa biển bao gồm đại dương, rạn san hô và thảm cỏ biển, cũng cần được bảo vệ. Đây là nơi chúng kiếm ăn, trú ẩn và di chuyển. Các khu bảo tồn biển được thiết lập nhằm hạn chế hoạt động đánh bắt thủy sản quá mức, bảo vệ các hệ sinh thái này cũng như bảo tồn đa dạng sinh học giúp duy trì sự cân bằng sinh thái và đảm bảo nguồn thức ăn cho rùa biển.

Ngoài ra, không gian cũng là yếu tố quan trọng trong công tác nghiên cứu và giám sát. Các nhà khoa học cần những khu vực bãi cát, vùng biển rộng lớn để theo dõi hành vi, tập tính sinh sản và di cư của rùa biển. Việc giám sát hiệu quả giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các mối đe dọa như rùa biển bị đánh bắt không chủ ý, bị săn bắt trộm, ảnh hưởng của ô nhiễm rác thải nhựa hay tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến mực nước dâng và phát triển vùng bờ làm mất bãi đẻ của rùa biển.

Đây còn là nền tảng cho các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng. Các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia có biển và trung tâm giáo dục không chỉ bảo vệ rùa biển mà còn là nơi để du khách và người dân địa phương hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo tồn loài sinh vật này.

475983119_1035371645272349_2025190485286237123_n.jpg
Rùa biển ở VQG Côn Đảo.

Cuối cùng, việc bảo vệ các hành lang di cư và khu vực kiếm ăn của rùa biển là vô cùng cần thiết. Rùa biển thường di chuyển qua nhiều vùng biển khác nhau trong suốt vòng đời của chúng. Do đó, việc thiết lập các khu vực bảo vệ xuyên biên giới và hợp tác quốc tế là chìa khóa để đảm bảo sự an toàn cho chúng trên toàn bộ hành trình và vòng đời của rùa biển. Biên bản ghi nhớ về bảo vệ rùa biển và sinh cảnh sống của chúng khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương IOSEA mà Việt Nam cũng tham gia là một ví dụ điển hình về hợp tác quốc tế trong bảo vệ rùa biển.

PV: Như bà đã chia sẻ, không gian đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo tồn, vậy hiện nay, chúng ta đã có đủ các công cụ chính sách để tạo không gian bảo tồn rùa biển chưa?

Bà Bùi Thị Thu Hiền: Nhằm bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam, từ năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025. Tiếp đó, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Chương trình cũng như Kế hoạch hành động đều tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; điều tra, đánh giá, nghiên cứu; xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được thực hiện hiệu quả; Nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn các loài rùa nguy cấp…

Bên cạnh đó Luật Thủy sản (2017), Luật Đa dạng sinh học (2008), các Nghị định, Thông tư liên quan đến việc thành lập và mở rộng mạng lưới khu bảo tồn biển, vườn quốc gia có biển… cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam như Công ước Đa dạng Sinh học (CBD), Công ước về buôn bán quốc tế các loài bị đe dọa tuyệt chủng (CITES) cũng đã góp phần hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn rùa biển ở Việt Nam. Như vậy, các công cụ chính sách đã có đủ để tạo không gian bảo tồn rùa biển. Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn các loài hoang dã di cư, đặc biệt là các loài chim di cư, rùa biển, cá mập, tuy nhiên Việt Nam cần xem xét để tham gia Công ước về bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư của Liên hợp quốc (CMS).

PV: Thưa bà, để tạo không gian bảo tồn rùa biển, cộng đồng dân cư đóng vai trò thế nào?

Bà Bùi Thị Thu Hiền: Người dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn rùa biển, sinh cảnh sống của chúng thông qua các hoạt động cụ thể như tham gia chương trình giám sát, tuần tra mùa rùa đẻ; đóng góp vào các hoạt động phục hồi môi trường, bảo vệ sinh cảnh sống như rạn san hô, thảm cỏ biển và các bãi đẻ của rùa biển. Sự tham gia của cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ rùa biển mà còn mang lại lợi ích kinh tế, tạo nên mô hình bảo tồn bền vững.

473573508_1023198906489623_3609947197222421875_n.jpg
Rùa biển đẻ trứng ở VQG Côn Đảo.

Các ví dụ cụ thể như chương trình Tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Côn Đảo, Núi Chúa và Khu bảo tồn biển Hòn Cau; Đội ngũ tình nguyện viên là ngư dân ở các địa phương tham gia Chương trình giám sát và báo cáo về rùa biển lên đẻ cũng như rùa biển bị mắc lưới không chủ ý trong hoạt động thủy sản ở Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa.

Có ý kiến cho rằng, cần di chuyển người dân sống gần hoặc trong khu bảo tồn, bãi đẻ của rùa ra khỏi khu vực để tạo không gian bảo tồn an toàn, tuy nhiên, theo tôi, đây không phải là giải pháp tối ưu. Việc di chuyển người dân có thể gây ra những xáo trộn lớn về đời sống, văn hóa và kinh tế, dẫn đến sự phản đối từ cộng đồng. Việc tái định cư đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính và quản lý, trong khi các nguồn lực này có thể được sử dụng hiệu quả hơn cho các hoạt động bảo tồn. Di chuyển người dân không giải quyết được gốc rễ vấn đề, mà chỉ chuyển dịch áp lực sang khu vực khác.

Thay vì coi người dân là đối tượng cần phải giám sát, quản lý... thì hãy mời họ tham gia các chương trình tình nguyện viên, các tổ giám sát, tuần tra, bảo vệ, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng. Họ là nguồn nhân lực tốt nhất có thể cùng chung tay với các cơ quan chức năng của địa phương và các vườn quốc gia, khu bảo tồn tham gia vào các hoạt động bảo tồn và bảo vệ môi trường.

Một trong các giải pháp tối ưu là hài hòa giữa bảo tồn và sinh kế của người dân, như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giáo dục và quản lý cộng đồng, đang được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao. Cách tiếp cận này không chỉ bảo vệ rùa biển, sinh cảnh sống của rùa tại các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia, mà còn đảm bảo quyền lợi và sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Hạnh (thực hiện)