Biến đổi khí hậu

Các tỉnh ĐBSCL chủ động ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn

Phong Thư 11/02/2025 - 10:14

(TN&MT) - Bước vào mùa khô hạn, nước trên các con sông, kênh, rạch ĐBSCL ngày càng xuống thấp đồng thời với xâm nhập mặn (XNM) bắt đầu lấn sâu vào nội đồng, đe dọa sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Các địa phương khu vực ĐBSCL đang triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó…

Hiện vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ, nguồn nước cơ bản đảm bảo cho sản xuất. Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, trong tháng 2, ranh mặn 4g/l ảnh hưởng sâu nhất trên các cửa sông khoảng 45 - 55km. Vùng ven biển ĐBSCL, bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, mặn lên cao và kéo dài ở nửa đầu tháng 2 và cuối tháng 2, ranh mặn 4g/l có thể vào sâu 45 - 55km, từ các cửa sông.

8ccccc.jpg
Khơi thông dòng chảy, tích trữ nước ngọt, phục vụ tưới tiêu trong mùa khô sắp tới

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định: Năm 2025, nguồn nước về ĐBSCL thuộc nhóm năm dưới trung bình nước, tần suất dòng chảy các tháng kiệt ở mức 60 - 75%, phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực. Dự báo XNM mùa kiệt 2024 - 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các tỉnh cơ bản đã hoàn thành việc xuống giống vụ đông xuân 2024 - 2025. Nhu cầu nước ở ĐBSCL vào thời kỳ sử dụng nước cao điểm trùng với thời kỳ khan hiếm nước trên đồng bằng, khi tháng 2 đến tháng 4 là thời kỳ mặn cao…

Hiện, các địa phương vùng ĐBSCL đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó phòng, chống hạn mặn, đảm bảo an toàn, đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Tại TP. Cần Thơ, công tác thủy lợi mùa khô, thủy lợi nội đồng ứng phó khô hạn, XNM được ngành chức năng TP. Cần Thơ và các địa phương triển khai từ sớm. Trong đó, thành phố đang tập trung khai thác có hiệu quả Dự án nâng cao khả năng chống chịu của TP. Cần Thơ để ứng phó XNM do BĐKH gây ra, với các trạm quan trắc môi trường, chất lượng nước tại các sông chính trên địa bàn. Kết quả quan trắc, cảnh báo mặn xâm nhập từ các trạm quan trắc này sẽ được kịp thời cung cấp cho đơn vị chức năng, người dân trên địa bàn ứng phó…

Tại Tiền Giang, tỉnh đã chủ động phương án phòng, chống hạn, mặn. Khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang là vùng chịu tác động trực tiếp của XNM. Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình để đảm bảo ngăn mặn, đảm bảo nước ngọt tưới cho khoảng 38.400ha tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công.

Phía Tây tỉnh Tiền Giang, Dự án Bảo Định đã mở rộng sang vùng kiểm soát lũ, tập trung đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho khoảng hơn 124.000ha sản xuất nông nghiệp trong khu vực của tỉnh Tiền Giang và Long An. Tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị tỉnh Long An kiến nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đẩy nhanh tiến độ thi công các cống còn lại trên quốc lộ 62 để cùng với các cống đã được đầu tư đảm bảo ngăn mặn cho hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Đồng thời, đóng ngăn mặn cống âu Nguyễn Tấn Thành và các cống trên đường tỉnh 864 khi độ mặn trên sông Tiền tại vàm kênh Nguyễn Tấn Thành vượt ngưỡng 0,5g/l; trữ nước vào các ao chứa; triển khai các giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt, vận hành các giếng khoan và mở các vòi nước công cộng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Tại Vĩnh Long, địa phương sẽ phát huy tối đa hiệu quả các công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt; chuyển đổi sang các giống cây trồng có tính chống chịu tốt với hạn, mặn; tập trung duy tu sửa chữa các trạm cấp nước nông thôn; tăng cường thiết bị trữ nước phục vụ sản xuất và dân sinh.

Nhằm chủ động phòng, chống hạn, mặn, tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM mùa khô năm 2024 - 2025; xây dựng 2 kịch bản (chi tiết giả định) rủi ro thiên tai xảy ra và giải pháp phòng, chống, ứng phó theo từng kịch bản khi các cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰, xâm nhập vào sâu từ 25 - 50km hoặc khi vào sâu hơn 50km tính từ cửa sông.

Tại Cà Mau, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang phối hợp các địa phương triển khai đầu tư xây dựng 6 công trình cấp nước tập trung nông thôn, dự kiến phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho 14.000 hộ dân tại các vùng nông thôn khan hiếm nước, nguồn nước bị ô nhiễm, xâm nhập mặn trong mùa khô 2025.

Tại Sóc Trăng, UBND tỉnh đã làm việc với Công ty CP Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) về đề xuất đầu tư Dự án Trạm bơm nước thô vùng Tây Nam sông Hậu và hệ thống ống truyền tải cung cấp nguồn nước thô cho 3 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng. Công trình được triển khai phía thượng nguồn sông Hậu, cùng việc hình thành hệ thống tuyến ống truyền tải kín liên vùng tỉnh, dẫn nước thô đến các nhà máy xử lý nước sạch hiện hữu và tương lai trên địa bàn Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau. Mục tiêu của dự án là đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất, khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn, thay thế nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức gây tình trạng sụt lún tại khu vực.

Cùng với đó, tại nhiều địa phương, công tác phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn đang được khẩn trương triển khai theo, trong đó chú trọng phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư hậu cần tại chỗ nhằm kịp thời đáp ứng và nâng cao hiệu quả phòng chống.

Phong Thư