Chống sạt lở bờ biển tại Đà Nẵng: Ưu tiên giải pháp xanh
(TN&MT) - 10 năm trở lại đây, tình hình xói lở bờ biển Đà Nẵng có xu hướng gia tăng khiến bãi biển bị thu hẹp dần. Các chuyên gia khuyến cáo, địa phương cần sớm có giải pháp bảo vệ bờ biển nếu không muốn rơi vào tình trạng khó cứu vãn như biển Cửa Đại (Hội An), trong đó ưu tiên các giải pháp xanh.
Gia tăng sạt lở
Những ngày đầu năm 2025, ảnh hưởng của các đợt gió mùa Đông Bắc tràn về gây ra triều cường, sóng mạnh khiến bờ biển Đà Nẵng đoạn qua quận Sơn Trà bị sạt lở nặng. Một số điểm sóng xâm thực sâu vào vào bờ, cuốn đổ hàng loạt cây dừa được trồng dọc bãi cát. Đặc biệt, tại bãi biển Mỹ Khê ngay khu vực công viên từ tuyến đường Nguyễn Văn Thoại giao nhau với tuyến đường Võ Nguyên Giáp, tình trạng xâm thực sâu, có đoạn chỉ cách vỉa hè khoảng hơn 1m.
![7a.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/10/7a.jpg)
Để hạn chế sóng biển xâm thực vào bờ, thành phố đã huy động hơn 200 người cùng các phương tiện cơ giới khẩn cấp sử dụng các tấm lưới thép B40 và bao cát làm kè chống sạt lở. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp trên chỉ là tạm thời, tình trạng sạt lở, xâm vẫn tiếp tục diễn ra và ăn sâu vào bãi biển tại các khu vực liền kề nơi đã được đắp đê tạm.
Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, vào mùa mưa hằng năm, hiện tượng biến đổi dòng chảy tạo thành những con sóng lớn đánh sâu vào bờ. "Dù được đắp đê tạm nhưng sóng biển vẫn tiếp tục gây sạt lở sâu vào bên trong. Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc tạo thành dòng chảy rút xa bờ đây là dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Tùy theo thời tiết hàng năm, vị trí dòng rút thay đổi và gây mức độ sạt lở khác nhau.
Nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cùng lực lượng chức năng vừa khắc phục vừa theo dõi để kịp thời báo cáo tình hình sạt lở tại biển Mỹ Khê để có chỉ đạo kịp thời" - ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cho biết.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng có giải pháp khẩn trương khắc phục tạm thời, hạn chế tình trạng sạt lở đang diễn ra, nhất là các vị trí đang bị xói lở sâu. Các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thành phố có giải pháp xử lý ổn định, lâu dài để bảo vệ bờ biển, nhất là tại bãi biển Mỹ Khê vì đoạn bờ biển này chưa có kè chắn sóng kiên cố.
Cần ưu tiên các giải pháp xanh
Theo GS.TS Thiều Quang Tuấn - Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây xói lở bờ biển và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển thành phố Đà Nẵng", so với giai đoạn 20 năm trước đây, nhiều đoạn bãi biển của thành phố hiện nay đã bị thu hẹp vào khoảng từ 10 - 20 m. Về tổng thể thì tốc độ xói lở bờ biển ở Đà Nẵng hiện đang ở mức độ từ nhẹ đến vừa (1 - 3m/năm), nhưng về quy mô thì đã xảy ra trên diện rộng tại hầu hết các vị trí dọc theo bờ biển phía đông của thành phố.
![7b.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/10/7b.jpg)
Từ các kết quả tính toán mô phỏng và phân tích đánh giá các quá trình tự nhiên chi phối cũng như hiện trạng và tính chất xói lở, GS.TS Thiều Quang Tuấn chỉ ra tình trạng xói lở bờ biển Đà Nẵng có nguyên nhân sâu xa từ sự kết hợp của 3 loại xói lở tồn tại song song: xói cấp tính, xói mãn tính, xói chỏm răng cưa dao động theo mùa đặc thù. Việc đưa ra được nguyên nhân và cơ chế gây xói lở bờ biển là cơ sở khoa học quan trọng để đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển Đà Nẵng một cách tổng thể, bền vững và có hiệu quả lâu dài.
Theo đó, 4 phương án giải pháp tổng thể đã được đề xuất cho bảo vệ bờ biển phía đông của thành phố, gồm: nuôi bãi điểm trực tiếp; nuôi bãi tập trung quy mô lớn; nuôi bãi với cồn cát tách bờ; hệ thống đê ngầm giảm sóng tách bờ kết hợp nuôi bãi. Tuy nhiên, để phù hợp với cảnh quan môi trường du lịch tắm biển, cần ưu tiên lựa chọn nhóm các giải pháp xanh, có thể xem xét giải pháp dựa vào tự nhiên có sự kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và giải pháp mềm.
Phương án nuôi bãi trực tiếp được đánh giá là lựa chọn tốt nhất do có khối lượng vật liệu yêu cầu và chu kỳ nuôi bãi phù hợp với bối cảnh ở địa phương. Phương án hệ thống đê ngầm giảm sóng tách bờ kết hợp nuôi bãi không được kiến nghị áp dụng do có nhiều tác động xấu tới diễn biến hình thái của dải bờ biển và cũng như cảnh quan du lịch biển của thành phố.
Ngoài ra, công tác theo dõi, giám sát, dự báo và đánh giá tình trạng đường bờ biển thường xuyên và kịp thời cũng là một khâu quan trọng trong quản lý đường bờ biển. Do vậy, thành phố cần sớm thiết lập các trạm quan trắc sóng cố định ven bờ để theo dõi liên tục và lâu dài. Bên cạnh đó, cần đo đạc định kỳ và thường xuyên mặt cắt ngang các bãi biển đại diện dọc theo dải bờ biển của thành phố.
Đồng thời, để giảm thiểu hiệu ứng gia tăng xói lở ở bãi trước do ảnh hưởng của công trình xảy ra trong bão và áp thấp nhiệt đới, thành phố cần giám sát chặt chẽ các dự án xây dựng ven biển từ khâu quy hoạch để hạn chế sự xâm lấn của các công trình và cơ sở hạ tầng trên bãi biển lẫn ra phía biển; vận động di dời các cơ sở hạ tầng và dân sinh với kết cấu kiên cố, có mức độ xâm lấn lớn ra phía biển.