Môi trường

Xử lý chất thải trong chăn nuôi: Thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

Hoàng Hiền 11/02/2025 - 10:14

(TN&MT) - Hoạt động chăn nuôi đã và đang tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng quy mô của đàn vật nuôi là tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Vấn đề này đang đặt ra những khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, xử lý tối ưu chất thải trong chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp cùng với hạn chế phát thải đầu ra được đánh giá là những biện pháp hữu hiệu để phát triển ngành nông nghiệp tuần hoàn.

Tỷ lệ chất thải rắn chăn nuôi được xử lý còn thấp

Theo Báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp năm 2023, tính đến năm 2023, cả nước phát sinh khoảng 68,92 triệu tấn chất thải rắn và khoảng trên 260,48 triệu lít chất thải lỏng; 72 nghìn tấn chất thải nhựa từ vỏ bao bì thức ăn chăn nuôi và có xu hướng tăng trong những năm tới. Vùng sinh thái nông nghiệp, Đông Bắc, Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ là nhóm vùng phát sinh lượng chất thải rắn lớn nhất lần lượt là 19% và 17%, thấp nhất là Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, cùng chiếm 10% tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi.

Chất thải chăn nuôi là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp. Cả nước hiện nay có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 12.349 trang trại chăn nuôi tập trung; trong đó phổ biến là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và gia cầm (gần 8 triệu hộ), với tổng đàn khoảng 467 triệu con gia cầm, 24 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc. Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh chỉ chiếm 10%.

Về xử lý chất thải chăn nuôi, theo kết quả thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2023), chất thải chăn nuôi được xử lý theo 3 phương pháp chủ yếu là công trình khí sinh học, đệm lót sinh học và ủ phân hữu cơ. Công tác xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ đã có nhiều chuyển biến, các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi công nghệ tiên tiến như sử dụng chế phẩm vi sinh, sử dụng đệm lót sinh học, thực hiện quản lý chất thải theo VietGAP... đã được áp dụng tại nhiều cơ sở chăn nuôi.

Tuy nhiên theo thống kê, hiện vẫn còn khoảng trên 50% lượng chất thải rắn chăn nuôi chưa được xử lý. Một số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải mà xả thẳng ra môi trường. Tại một số trang trại chăn nuôi gia súc, chất thải được thu gom và bán lại cho các cơ sở chế biến phân vi sinh hoặc được tái sử dụng để nuôi cá hoặc ủ biogas. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ mang tính nhỏ lẻ, khối lượng chất thải được xử lý là rất nhỏ so với tổng khối lượng chất thải ngành chăn nuôi.

Biến chất thải thành tài nguyên

Ngành chăn nuôi có tiềm năng gia tăng giá trị từ chính các phụ phẩm mà hiện nay nhiều nơi vẫn coi là "rác". Một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết chất thải rắn trong chăn nuôi là phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

5a.jpg

Theo định hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng ngay từ các khâu đầu vào (thức ăn, vệ sinh môi trường...) để đảm bảo sản phẩm sạch ngay từ quá trình sản xuất.

Trong 3 năm gần đây, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Cụ thể, Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 540/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng; Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về kinh tế tuần hoàn quy mô nhỏ - vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, hợp tác xã còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, khung luật pháp chưa hoàn thiện. Vì vậy, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa. Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất áp dụng công nghệ về kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế. Thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về kinh tế tuần hoàn...

Công tác xử lý chất thải chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn có thể mang lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế và bền vững cho ngành chăn nuôi và xã hội nói chung. Việc biến chất thải chăn nuôi thành tài nguyên góp phần khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Hoàng Hiền