Doanh nghiệp - doanh nhân

EVN tiên phong trong xây dựng nền kinh tế số

Thu Huyền 09/02/2025 - 05:53

Với những kết quả đạt được, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định vị trí doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số, thiết thực nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và mang nhiều lợi ích tới người dân, khách hàng.

Tới nay, hành trình đổi mới, hiện đại hóa của EVN càng trở nên rộng mở dưới tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.

Hệ sinh thái số phát triển lớn mạnh

Với vai trò của doanh nghiệp Nhà nước đầu tàu, từ năm 2021, EVN đã sớm triển khai chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực, nhằm thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, thiết thực đem lại lợi ích cho khách hàng và hơn hết là góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. 5 lĩnh vực trọng tâm được EVN thực hiện chuyển đổi số là: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin.

Nhờ định hướng sớm, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, việc chuyển đổi số trong EVN đã đem lại nhiều kết quả tích cực. “Tới nay, EVN đã xây dựng được hệ sinh thái lớn mạnh với đầy đủ các phần mềm phục vụ công tác quản lý và mọi lĩnh vực hoạt động của EVN” – Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An khẳng định.

Đơn cử, trong lĩnh vực quản trị, EVN là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc thành công trong việc thiết lập trục liên thông văn bản thống nhất trong toàn Tập đoàn, là cơ sở quan trọng để kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia sau này. Việc áp dụng thống nhất hệ thống Digital Office đã đánh dấu sự chuyển dịch từ mô hình quản trị truyền thống lên mô hình quản trị trực tuyến, làm tiền đề cho tiến trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Tới nay, hệ thống Digital Office đã cho phép cán bộ, nhân viên EVN trình ký, phát hành 100% văn bản đi và tiếp nhận văn bản đến, lập hồ sơ điện tử và lưu trữ hoàn toàn trên môi trường mạng. Qua đó, giúp các ban, đơn vị trong Tập đoàn giảm thời gian lưu chuyển văn bản, công văn; đồng thời xóa bỏ các giới hạn về không gian, vị trí địa lý.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVN đã đẩy mạnh công tác đấu thầu qua hệ thống điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Từ năm 2021 đến nay, 100% các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng. Tập đoàn cũng đã đưa vào triển khai phần mềm quản lý dự án đầu tư xây dựng (IMIS 2.0) với tổng số 23 phân hệ chính phục vụ toàn bộ công tác quản lý về đầu tư xây dựng trong toàn Tập đoàn.

3225chuyendoiso-20250203072601397.jpg
EVN đã đạt giải thưởng Doanh nghiệp Chuyển đối số xuất sắc trong 4 năm liên tiếp từ 2019 - 2022

EVN đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp. Sự kết hợp giữa UAV, camera thông minh và phần mềm với các thuật toán AI đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giám sát tình trạng đường dây truyền tải và trạm biến áp; giúp công tác kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa trở nên dễ dàng, chính xác và tiết kiệm thời gian, đặc biệt là tại khu vực có địa hình phức tạp. Đồng thời, tăng cường bảo đảm an toàn cho công nhân trong quá trình làm việc, tăng năng suất lao động. Theo tính toán của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia – một đơn vị trong EVN, nhờ ứng dụng công nghệ này đã giảm 22,4% nhân công khi quản lý vận hành đường dây 500kV và 17,9% đối với đường dây 220kV.

Đáng chú ý, nhiều phần mềm trong hệ sinh thái số EVN được Công ty Viễn thông Điện lực và công nghệ thông tin (EVNICT) phát triển đã khẳng định được chất lượng vượt trội, nhận được hàng loạt giải thưởng uy tín như: Giải thưởng Chuyển đổi số Quốc gia, giải Sao Khuê,... Điều đó cho thấy năng lực, sự tự chủ của EVN và các đơn vị trong việc từng bước làm chủ công nghệ trên hành trình chuyển đổi số.

Tiên phong góp phần xây dựng nền kinh tế số

Sự thay đổi, chuyển biến dễ nhận thấy nhất là những thành quả chuyển đổi số trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng của EVN. Kế thừa những thành quả trong nhiều năm trước đây, khi bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, EVN và các đơn vị thành viên đã nỗ lực và có nhiều sáng kiến để đưa chất lượng công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng lên một mức cao, đem lại nhiều trả nghiệm tích cực cho khách hàng, người dân.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, EVN là doanh nghiệp tiên phong cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; hơn 99,5% các giao dịch được thực hiện theo phương thức điện tử. EVN cũng đã hoàn thành việc tích hợp định danh điện tử, thực hiện số hóa hồ sơ và khai thác hồ sơ điện tử của công dân và doanh nghiệp; tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06.

Chung tay xây dựng nền kinh tế không dùng tiền mặt, EVN đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm cung cấp tiện ích, hỗ trợ khách hàng thực hiện thanh toán trực tuyến, thanh toán qua các đơn vị trung gian,... Tới nay, tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt hơn 99,5%, đi đầu trong các doanh nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc triển khai sử dụng công tơ điện tử đo xa là một hành trình được EVN triển khai sớm, bài bản và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2024, số lượng công tơ đo xa EVN lắp đặt trên toàn quốc đã đạt hơn 97,4%. Với dữ liệu chỉ số điện được khai thác tự động, liên tục, EVN đã phát triển và cung cấp các công cụ để khách hàng có thể theo dõi được sản lượng điện tiêu thụ, cũng như chỉ số điện tiêu thụ hàng ngày, qua đó minh bạch hóa đơn tiền điện và giúp khách hàng chủ động sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất.

Xuyên suốt hành trình chuyển đổi số, EVN luôn nỗ lực theo phương châm “khách hàng là trung tâm”, không ngừng gia tăng tiện ích số cho khách hàng, chung tay vì công cuộc xây dựng nền kinh tế số của đất nước. Tiếp tục lộ trình chuyển đổi số đã được vạch ra từ trước, EVN đang tiến rất gần tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.

Tháng 12/2024, tại buổi làm việc với EVN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo EVN cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật vào ngành Điện, mà trước hết cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu.

Việc chuyển đổi số của EVN trong thời gian tới sẽ được triển khai bám sát theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57). Tinh thần của Nghị quyết số 57 được ví như “Khoán 10” của thế kỷ 21. Đây là “kim chỉ nam” để EVN tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển đổi số bảo đảm bám sát vào 5 quan điểm chỉ đạo về mục tiêu, cùng 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra Nghị quyết 57. Trên cơ sở đó, Tập đoàn xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình chuyển đổi số gắn chặt với hoạt động sản xuất kinh doanh và mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực; tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Thu Huyền