Xã hội

Du xuân Yên Tử: Nơi "trời - đất - con người" hòa làm một

Trúc Lâm - Lê Tí 07/02/2025 10:59

Yên Tử thuộc địa phận TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là một điểm đến linh thiêng trong tâm thức của người dân Việt, luôn thu hút hàng triệu lượt du khách hành hương hằng năm.

Dãy núi Yên Tử thuộc địa phận của 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Hiện tại đang khai thác du lịch tâm linh ở tỉnh Quảng Ninh (danh thắng núi Yên Tử) và Bắc Giang (Tây Yên Tử), lượng du khách thập phương đổ về Quảng Ninh hàng năm vẫn nhiều hơn. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ, yên tĩnh của núi rừng hòa quyện với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống chùa, tháp và cõi thiền.

anh-1-chua-dong.jpeg
Chùa Đồng Yên Tử

Trong suốt quá trình lịch sử, Thiền phái Trúc Lâm đã hội tụ đầy đủ những tinh thần của Phật giáo, chứa đựng nét độc đáo của Việt Nam. Vì vậy, Yên Tử cũng được xem là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Từ Yên Tử giáo lý Trúc Lâm phát triển rộng ra khắp vùng Đông Bắc, hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ đã được dựng lên, trong đó có những chùa nổi tiếng như Quỳnh Lâm, Côn Sơn, Thanh Mai...

Sang đến thời Lê, thời Nguyễn, Yên Tử vẫn là trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là sự kết tinh, sự hội tụ của nền văn hóa dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hòa với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, chùa, tháp.

Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết: Lễ khai hội Xuân Yên Tử được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp ngàn đời mà các thế hệ cha ông ta đã để lại. Năm nay là Đại lễ tưởng niệm 716 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác tổ chức và đón khách du lịch.

anh-2-chua-dong.jpg
Toàn cảnh Chùa Đồng - Du khách đổ về ngày một đông mặc cho thời tiết giá lạnh

Có thể nói, về Yên Tử, nơi "trời - đất - con người" hòa đồng thành một thể, du khách được trải bước trên những bậc đá tự nhiên chông chênh, tự nâng mình lên sau mỗi bước “thượng sơn”, thư thái ngắm giang sơn huyền ảo tựa chốn "thần tiên".

Năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Yên Tử. Nơi đây trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, khoác áo cà sa tu hành và thành lập một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam mang tên Thiền phái Trúc Lâm.

Một số hình ảnh Du xuân Yên Tử:

anh-3.jpeg
Dòng người hành hương về "Kinh đô" phật giáo Việt Nam
anh-5-leo-bo.jpeg
Không chọn đi cáp treo, nhiều du khách chọn leo bộ để ngắm cảnh núi non Yên Tử
anh-4.jpeg
Ngồi giải lao để lấy lại sức tiếp tục lên Chùa Đồng của các cụ cao niên
anh-6.jpg
Du khách được thả mình vào thiên nhiên núi rừng, nhất là được ngắm những cây Tùng cổ hàng trăm năm tuổi dọc đường lên Chùa Đồng
anh-7.jpg
Du khách tham quan, bái phật và chiêm ngưỡng nơi an nghỉ của các nhà sư...
anh-8-tay-yen-tu.jpg
Khai hội Tây Yên Tử - thuộc tỉnh Bắc Giang
anh-9.jpg
Cáp treo phục vụ khách lên Yên Tử
anh-10.jpg
Mặc dù những ngày này miền Bắc rét đậm nhưng du khách không ngừng đến Yên Tử ngày càng đông
anh-11-tay-yen-tu-ve-dem.jpg
Cảnh về đêm ở Tây Yên Tử - thuộc tỉnh Bắc Giang
anh-12.jpg
Thả đèn hoa đăng tại Yên Tử

Trúc Lâm - Lê Tí