Bắc Giang: Tưng bừng Lễ hội Xương Giang
(TN&MT) - Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Xương Giang diễn ra hằng năm vào ngày mùng 5-7 tháng Giêng từ nhiều năm nay được UBND TP Bắc Giang tổ chức với quy mô cấp TP, mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Lễ hội năm nay là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2025.
Nhiều hoạt động tại Lễ hội
Từ chiều ngày 2/2 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng), mở màn cho chuỗi hoạt động diễn ra tại lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Xương Giang là Lễ tế mở cửa đền. Tại đây, các bô lão thực hiện lễ tế trời đất, tế vua, nghĩa sĩ Lam Sơn và các nghĩa sĩ tử trận trong trận chiến Xương Giang. Các nghi lễ truyền thống diễn ra trang nghiêm trong không gian linh thiêng của lễ hội thể hiện lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Xương Giang trong đời sống.
Sau lễ tế là nghi thức mở cửa đền Xương Giang Xuân Ất Tỵ. Các đại biểu, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP dâng hương và thực hiện nghi thức phóng điểu, phóng ngư cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi nhà hạnh phúc.
Buổi tối cùng ngày, sau phát biểu khai mạc Lễ hội của ông Đặng Đình Hoan - Chủ tịch UBND TP Bắc Giang, các đại biểu và nhân dân thưởng thức chương trình nghệ thuật “Hào khí Xương Giang muôn thuở còn truyền”. Chương trình gồm 2 phần: Phần I “Ký ức hào hùng”; phần II “Đảng quang vinh - Niềm tin và khát vọng”. Bằng hình ảnh và âm nhạc, diễn xuất hóa thân chuyên nghiệp qua tiết mục diễn xướng sử thi “Đại phá thành Xương Giang”, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Bắc Giang đã đem đến cho nhân dân và du khách màn trình diễn sống động về một vùng địa linh nhân kiệt thông qua những nét văn hóa tiêu biểu của phủ Lạng Thương, trấn Kinh Bắc xưa và Bắc Giang nay. Cùng đó là tinh thần anh dũng của quân và dân ta trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Tiếp đó, khán giả được thưởng thức các tiết mục có chủ đề mừng xuân, mừng Đảng và ca ngợi quê hương, đất nước qua phần biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ của Bắc Giang và trung ương như: Anh Thơ, Quốc Tuấn, Đức Tùng…
Ngày 3/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), lễ hội Xương Giang tiếp tục với các phần lễ và phần hội. Tại đây, các đại biểu, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo TP Bắc Giang và nhân dân thành kính dâng hương tưởng niệm các anh hùng nghĩa sĩ Lam Sơn đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược. Ông Nguyễn Văn Gấu, Bí thư Tỉnh ủy và ông Vũ Trí Hải, Bí thư Thành ủy cùng thực hiện nghi lễ thỉnh trống, thỉnh chiêng khai hội.
Đặc biệt, phát huy truyền thống từ nhiều năm nay, các đoàn rước đến từ Giáo hội Phật giáo, khối trường học và các phường, xã trên địa bàn TP với sự chuẩn bị công phu tiến vào đền dâng hương, mang nhiều nét đặc sắc của lễ hội.
Tiếp theo là các hoạt động trình diễn di sản văn hóa phi vật thể (hát chèo, quan họ, ca trù); chiếu phim hoạt hình về lịch sử Chiến thắng Xương Giang; trưng bày ảnh ký ức Chiến thắng Xương Giang; các trò chơi dân gian; không gian văn hóa chợ quê với các sản phẩm đặc trưng của TP Bắc Giang.
Ngày 4/2 (tức mùng 7 tháng Giêng), tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao: Tổ chức Giải Bóng chuyền hơi Người Cao tuổi thành phố Bắc Giang tại khu di tích; Hát Quan họ; không gian văn hóa chợ quê, Liên hoan hương sắc ẩm thực thành phố Bắc Giang; trình diễn Thư pháp...
Trao đổi với Phóng viên, ông Giáp Văn Quý - Giám đốc trung tâm văn hoá - thông tin và thể thao TP Bắc Giang cho biết: Lễ hội Xương Giang là 1 trong 2 lễ hội lớn của thành phố vì vậy luôn được thường trực Thành ủy- HĐND- UBND thành phố quan tâm, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện.
Khi sáp nhập huyện Yên Dũng, quy mô của lễ hội tăng cả về phần lễ và phần hội. Phần lễ rước, dâng hương có sự tham gia (phần rước kiệu có thêm 05 đoàn, dâng hương thêm 17 đoàn...); phần hội tăng cường không gian văn hóa chợ quê và liên hoan hương sắc ẩm thực Bắc Giang (từ 16 thành 31), các hoạt động tổ chức trò chơi dân gian phong hhú và hấp dẫn; quy mô chương trình nghệ thuật tăng cường, đặc biệt là màn sử thi tái hiện chiến thắng Xương Giang và chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân gắn với chào mừng kỉ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng.
Chính vì thế, ngay từ khi lập kế hoạch, công tác chuẩn bị đến công tác tổ chức đã phân công rõ người, rõ việc, quyết liệt và hiệu quả.
Sử sách còn lưu truyền
Ngược dòng lịch sử hơn 600 năm về trước, vào đúng mùa Xuân năm Mậu Tuất 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng bắt đầu từ thượng du Thanh Hoá, đến giữa năm 1426, nghĩa quân tiến ra phía Bắc bao vây thành Đông Quan. Trước tình hình đó, tướng giặc là Vương Thông một mặt âm mưu giảng hoà, mặt khác, phái người về nước cầu cứu viện binh. Triều đình nhà Minh quyết định điều 02 đạo viện binh sang tiếp viện. Nắm được mưu đồ của giặc, so sánh lực lượng địch - ta, Lê Lợi đã chọn kế sách “Vây thành, diệt viện”, tập trung lực lượng tiêu diệt các đạo viện binh sắp tới.
Thực hiện chủ trương đó, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã cử các tướng tài lên vùng biên ải để chặn đánh viện binh; đồng thời, hợp sức cùng nghĩa quân đánh chiếm các thành địch. Trong các trận bao vây, chiếm thành, gay go và quyết liệt nhất là chiếm thành Xương Giang. Trải qua hơn 6 tháng bao vây bền bỉ, tiến công liên tục, với hơn 30 trận đánh lớn nhỏ, nghĩa quân Lam Sơn và Nhân dân địa phương đã hạ được thành Xương Giang trước khi viện binh kéo sang nước ta 10 ngày.
Ngày 08 tháng 10 năm 1427, đạo quân Liễu Thăng tiến đến cửa ải Pha Lũy ở vùng biên giới. Bằng những trận đánh nhử địch tài giỏi của tướng Trần Lựu và sự mưu trí của Nguyễn Trãi đã làm cho Liễu Thăng và đạo quân 10 vạn tưởng là “đắc thắng”, đã sa vào trận địa mai phục của ta, Liễu Thăng bị chém đầu. Đô đốc Thôi Tụ lên nắm quyền chỉ huy, cùng Thượng thư bộ công Hoàng Phúc sắp xếp đội ngũ với hơn 7 vạn viện binh còn lại liều chết tiến về thành Xương Giang;
Khi đến gần Xương Giang, địch mới biết rằng Thành đã trở thành pháo đài sừng sững của quân ta chặn ngang đường tiến quân của chúng. Sau chiến thắng Xương Giang, quân Vương Thông ở Đông Quan bị vây hãm lâu ngày vô cùng khiếp sợ, tuyệt vọng không còn kế thoát thân. Vương Thông và các tướng giặc xin giảng hòa, thực chất là đầu hàng. Cuối tháng 12/1427, chúng phải trao trả tất cả các Thành còn lại và rút quân về nước, mở ra thời kỳ thái bình của dân tộc ta.
Chiến thắng Xương Giang năm 1427 đã chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh đối với nước ta, đất nước Đại Việt thái bình, thịnh trị, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. Để ăn mừng chiến thắng quân Minh, năm 1428, sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã mở hội khao quân, tuyên đọc “Đại cáo Bình Ngô”. Trong bối cảnh niềm vui chung đó, ở Kinh Bắc có trị sở là thành Xương Giang cũng được hưởng lộc và tổ chức lễ hội lớn để cáo tế trời đất ban phúc lộc cho Nhân dân. Từ đó về sau, Nhân dân vùng Xương Giang đều tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân để khơi dậy niềm tự hào về chiến công này.
Lễ hội mừng chiến thắng Xương Giang được tổ chức vào dịp đầu Xuân, từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng. Đó cũng là dịp các làng quanh thành Xương Giang tổ chức hội làng truyền thống; khi ấy, các làng cổ bên thành Xương Giang do có công trong chiến thắng Xương Giang nên đã được hưởng lộc vua ban, Nhân dân địa phương tổ chức rước lễ vật về thành Xương Giang làm lễ tế, mở hội ăn mừng chiến thắng. Từ đó, lễ hội mừng chiến thắng Xương Giang trở thành một lễ hội lớn, thu hút sự tham gia đông đảo của Nhân dân cả vùng quanh thành Xương Giang và du khách thập phương.
Địa điểm chiến thắng Xương Giang và lễ hội Xương Giang đã hình thành, tạo dựng nên và mang những giá trị tiêu biểu đậm đà bản sắc văn hóa của vùng đất Kinh Bắc - Bắc Giang cũng như đại diện cho văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Trước những chứng tích và giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định về việc đưa lễ hội Xương Giang (TP Bắc Giang) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.