Hạ Hòa (Phú Thọ): Khai hội Đền Mẫu Âu Cơ vào ngày mùng 6 Tết
(TN&MT) - BQL di tích Đền Mẫu Âu Cơ cho biết từ đêm giao thừa cho đến nay (ngày mùng 5 Tết), có khoảng 25 nghìn người đến thắp hương, dâng lễ lên Mẫu Âu Cơ theo phong tục tập quán.
Theo kế hoạch, ngày mùng 6 Tết Ất Tỵ, UBND huyện Hạ Hòa sẽ tổ chức lễ khai mạc đền Mẫu Âu Cơ theo phong tục hàng năm. Đến nay, công tác chuẩn bị cho ngày đại lễ cũng đã xong, dự kiến có hàng chục ngàn người từ khắp các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lào Cai, Tuyên Quang… về tham dự lễ hội, chào xuân mới.
Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Bà Tô Thị Hải Yến – Trưởng Ban quản lý Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ cho biết: Ngay từ những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, Khu di tích đền mẫu Âu Cơ cũng đã mở cửa để đón du khách. Đến nay, có khoảng hơn 2 vạn người trẩy hội và đến chiêm bái, thực hiện các nghi lễ tôn kính với Mẫu Âu Cơ.
Cũng theo bà Yến, để chuẩn bị cho công tác lễ hội của năm 2025, ngay từ những ngày cuối năm 2024, Khu di tích đã đón rất nhiều đoàn khách thập phương về chiêm bái và tri ân công đức Tổ Mẫu. BQL di tích cũng đã thực hiện cơ bản hoàn tất việc chỉnh trang cảnh quan, khánh tiết để không gian Khu di tích được thoáng đãng, sạch đẹp.
Năm nay, ngày mùng 6 tết, tức ngày 3/2/2025, UBND huyện Hạ Hòa sẽ tổ chức khai mạc lễ hội. Còn nghi lễ đặc biệt quan trọng trong ngày chính lễ (mùng 7 tháng Giêng) của Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ thì được tổ chức ngay hôm sau đó. Cũng theo kế hoạch, đội tế gồm 21 thiếu nữ thanh tân có nhan sắc và phẩm hạnh tốt đã được lựa chọn từ các học sinh trường THPT Hạ Hòa, THPT Xuân Áng, huyện Hạ Hoà được dạy và thực hiện, phục dựng theo các nghi lễ cổ truyền để lại. Hiện đội tế đang thực hiện chương trình tập tế nghiêm túc, đảm bảo thời gian, tiến độ.
Chị Hà Thị Hòa, trú tại Phường Đồng Tâm, TP Yên Bái chia sẻ: Hằng năm, cứ mỗi dịp đầu xuân, gia đình chị thường tổ chức đi lễ tại đền Mẫu Âu Cơ. Đây là địa điểm mà gia đình chị chọn đi lễ đầu tiên với cảm xúc và mong ước khác nhau.
Có mặt trực tiếp sân đền mẫu Âu Cơ, phóng viên nhận thấy không khí đầu xuân khá vui vẻ, khác với những khu di tích khác có tình trạng chen lấn, xô đẩy, móc túi, ăn xin… thì ở đây, toát lên vẻ uy nghiêm. Công tác phân luồng giao thông rất tốt. Xe và người vào 1 đường, và ra 1 lối khác đảm bảo thông thoáng cho du khách.
Bà Đặng Thị Thảo, Phó ban Quản lý di tích cho hay: Đối với công tác an ninh, huyện huy động từ công an xã, công an huyện, cảnh sát giao thông xuống hỗ trợ, giúp đỡ. Công tác phòng cháy chữa cháy, y tế cũng chuẩn bị sẵn. Còn hàng quán buôn bán lễ cũng được ban tổ chức quán triệt, tránh tình trạng lợi dụng lễ hội để “chặt chém” du khách. Quan điểm của địa phương là du khách và nhân dân đến với lễ hội phải an toàn, tiết kiệm, văn minh…
Truyền thuyết còn ghi
Tương truyền rằng, nàng Âu Cơ là “Tiên nữ giáng trần”. Sau khi kết duyên với Lạc Long Quân- con trai của Kinh Dương Vương, nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trăm trứng, nở thành một trăm người con. Một ngày, khi các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân đã chia 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển.
Trong 50 người con theo mẹ thì người con cả lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, 49 người con tiếp tục theo Mẹ lên rừng, đến trang Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, trấn Tây Sơn lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Thế rồi từ đó vùng đất này trở nên trù phú, vạn vật tốt tươi. Khi trang ấp đã tươi đẹp, Mẹ Âu Cơ lại cùng các con đi mở mang vùng đất mới. Đến khi giang sơn thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng bà lại trở về Hiền Lương - nơi bà đã chọn gắn bó cuộc đời mình.
Ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thân, sau khi thay xiêm áo Mẹ Âu Cơ giữ lại dải khăn đào và theo các Tiên nữ bay về trời. Chỗ Mẹ Âu Cơ thả dải lụa, sau này đã được người dân trong vùng dựng lên ngôi miếu phụng thờ, đời đời hương khói - đó là miếu thờ Mẫu Âu Cơ. Năm 1456 Vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức sai Giám Quốc Sư đến Hiền Lương phong sắc và cấp 30 quan tiền tôn tạo miếu thờ Mẫu Âu Cơ. Cũng chính từ thời gian này tên gọi đền Mẫu Âu Cơ đã thay thế miếu thờ Mẫu Âu Cơ. Từ đây nhân dân Hiền Lương, nhân dân Hạ Hòa giữ gìn, trùng tu Đền đời đời phụng thờ hương khói.
Ngày lễ chính của đền Mẫu Âu Cơ là ngày “Tiên giáng” mùng bảy tháng Giêng, ngoài ra trong năm còn có các ngày lễ khác là ngày 10-11 tháng 2, ngày 12 tháng 3, ngày 13 tháng 8...
Là di tích lịch sử văn hoá tồn tại hơn 5 thế kỷ, đền Mẫu Âu Cơ đã 3 lần được các triều đại Nhà nước Việt Nam công nhận là đền quốc tế. Thế kỷ XV (1465) nhà Lê phong sắc và cho xây dựng đền to, rộng như hiện nay. Thế kỷ XIX nhà Nguyễn một lần nữa lại phong sắc công nhận đền Mẫu Âu Cơ. Ngày 3/8/1991 Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá Quốc gia đền Mẫu Âu Cơ.
Ngày 23/1/2017 tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia. Năm 2019, Tượng Mẫu Âu Cơ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đền Mẫu Âu Cơ kết hợp với chùa Linh Phúc và đình Đức Ông tạo thành một quần thể di tích có sức hút đặc biệt, đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân.
Hướng tới phát triển kinh tế bằng du lịch
Trong những năm qua, huyện Hạ Hòa đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích, quản lý tốt các hoạt động Lễ hội hàng năm, tiến hành cải tạo cảnh quan, khuôn viên, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Khu di tích, mở rộng bãi đỗ xe, đường vào, khu vực trồng cây lưu niệm; xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; mở các gian hàng quảng bá sản phẩm du lịch tại Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, duy trì quầy thông tin và bán sản phẩm tại khu vực Đền Mẫu; xây dựng nhà lưu niệm trưng bày và quảng bá các sản vật của Hạ Hòa...
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa cho biết: Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí công nhận điểm du lịch địa phương. Hằng năm, tại đền Mẫu Âu Cơ đón và phục vụ khoảng 70.000- 80.000 lượt khách tham quan, chiêm bái. Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa tâm linh Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương là sự bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc. Đồng thời, còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Đền Mẫu Âu Cơ và lễ hội là dịp, là nơi để người dân hướng về cội nguồn, tri ân công đức của Quốc Mẫu Âu Cơ, nhân lên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc…
Theo kế hoạch, 09h30', thứ 2, ngày 03/02/2025 chính thức khai hội tại sân hành lễ Đền mẫu Âu Cơ với với đông đảo lãnh đạo địa phương và khách mời các tỉnh, thành lân cận.