Tài nguyên

Miền Trung - Tây Nguyên đưa Luật BVMT 2020 vào cuộc sống: Động lực cho phát triển bền vững

Minh Khuê 24/01/2025 - 09:34

(TN&MT) - Từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành vào tháng 1/2022, đến nay, các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống và đạt được nhiều dấu ấn tích cực, đậm nét.

Quyết liệt đưa Luật vào cuộc sống

Luật BVMT 2020 có hiệu lực đồng nghĩa với hệ thống pháp luật BVMT được hoàn thiện, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, xem công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vì chất lượng cuộc sống của nhân dân. Để đưa Luật vào thực tiễn cuộc sống, thời gian qua, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Từ đo tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp.

bvmt-1.jpg
Các nguồn thải lớn ở các KCN tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên được kiểm soát chặt chẽ.

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung - Tây Nguyên, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường được ban hành, các địa phương đã phối hợp với đơn vị tổ chức nhiều đợt tập huấn, phổ biến đến các cấp, hội đoàn thể và các doanh nghiệp lớn có nguy cơ gây ô nhiễm. Đây cũng là dịp để hướng dẫn và giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện Luật mới. Trong năm 2023, 2024, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tổ chức 2 Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường để đánh giá tổng kết quá trình thực hiện Luật, chia sẻ và nhân rộng các mô hình tốt về bảo vệ môi trường.

Năm 2024, Bộ TN&MT, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã thành lập Đoàn công tác làm việc với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên để hướng dẫn, đôn đốc các Sở thực hiện các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường, cùng địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong hoạt động thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, công tác giám sát tại các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... được đặc biệt chú trọng. Qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường cho thấy, các cơ sở đã chú trọng, thực hiện tốt hơn trong bảo vệ môi trường.

Những chuyển biến tích cực

Đến nay, hầu hết các địa phương đều đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện kiểm soát ô nhiễm trên tất cả các lĩnh vực chất lượng nước, môi trường không khí, thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp. Nhờ vậy, chất lượng môi trường tại khu vực đã được cải thiện đáng kể. Mức độ ô nhiễm không khí, tình trạng ô nhiễm tại các sông hồ nội thành, nội thị có xu hướng giảm.

bvmt4.jpg
Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thực thi hiệu quả sẽ là động lực cho phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Công tác thu gom và xử lý chất thải được quan tâm, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa. nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ thu gom 100% như tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và thành phố Đà Nẵng. Các địa phương đang tích cực triển khai Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải được phân loại.

Tại nhiều địa phương đã hình thành các phong trào, mô hình điển hình về BVMT trở thành thói quen, nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội trong giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường nơi sinh sống như phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Trường học xanh”; “Huế - Thành phố 4 mùa hoa”, mô hình điểm “Dòng Hương trong xanh”, mô hình “Tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Trật tự trị an”,… Các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường đã huy động được sự tham gia, chung tay vào cuộc của nhiều Hội đoàn thể như Hội nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, …

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã hình thành được một phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, tăng cường công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm. Các địa phương đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (KCN, CCN, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn,...); duy trì phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh. Nhiều dự án lớn đã được kiểm soát chặt chẽ về BVMT, các cơ sở có phát sinh nguồn thải lớn đã tuân thủ việc triển khai lắp đặt, kết nối thiết bị quan trắc tự động liên tục về Sở TN&MT, Bộ TN&MT để theo dõi, giám sát.

Đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật BVMT. Do chưa có đầy đủ hạ tầng thu gom, xử lý rác sau phân loại, công tác xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý rác chưa cao, tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH tại một số khu vực nông thôn, miền núi như Đắk Lắk, Gia Lai... còn thấp.

Ở những địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn chưa thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN. Hiện mới chỉ có 33/61 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, đạt tỷ lệ 54,1%.

Đáng chú ý, theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường thì chậm nhất đến ngày 31/12/2023 các CCN phải hoàn thành hạ tầng bảo vệ môi trường, nhưng cho đến nay khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn còn 184 CCN chưa được đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Các CCN này sẽ không được tiếp nhận thêm các dự án mới mà có phát sinh nước thải công nghiệp (Điều 49 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) đây là thiệt thòi, hạn chế rất lớn cho địa phương.

Về phía các địa phương, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh được giao trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng nước cho các nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh; xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh đảm bảo theo quy định. Trong đó, ưu tiên đề xuất và phê duyệt các dự án đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho các đô thị.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng các quy định và triển khai cơ chế phân loại rác thải tại nguồn bắt đầu từ năm 2025. Khẩn trương áp dụng, nhân rộng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về BVMT và phù hợp với công tác BVMT tại địa phương (cụm, xã) như: Mô hình phân loại CTRSH tại nguồn; mô hình hạn chế sử dụng, phân loại, thu gom rác thải nhựa,… nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý BVMT vì sự phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong tương lai.

Minh Khuê