Xã hội

Tết ở “làng Tiến sỹ”

Thúy Hằng - Phạm Hoàng 24/01/2025 - 09:33

(TN&MT) - Dù ở trong hay ngoài nước, cứ đến ngày 8 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm, con cháu dòng họ Vũ - Võ khắp nơi lại tề tựu đông đủ về Mộ Trạch (xã Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương) để dự lễ hội làng, thắp nén nhang thơm lòng thành tri ân công đức tổ tiên, đồng thời đây cũng là dịp để phát động phong trào hiếu học trong dòng họ. Làng Mộ Trạch là nơi khởi thủy của dòng họ Vũ - Võ Việt Nam, nơi đây cũng nổi danh là vùng quê hiếu học, được người đời đặt cho cái tên “Làng tiến sỹ”. Chúng tôi đến làng Tiến sỹ vào ngày cuối năm khi người dân đang tất bật chuẩn bị đón Tết và lễ hội Xuân Ất Tỵ.

1.Nghe danh “làng Tiến sỹ” đã lâu nhưng nay chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến, đặt chân lên mảnh đất hiếu học nổi danh không chỉ trong nước mà cả thế giới. Ngay từ khi bước vào làng, chúng tôi đã thấy nét văn hóa khác biệt so với các vùng quê khác, đó là con đường làng to đẹp, khang trang, sạch bóng. Hai bên đường hàng cây vươn mình che bóng mát… Con đường dẫn vào Mộ Trạch giờ đã được bê tông hóa và theo người dân nơi đây, vào ngày lễ hội, những lá cờ ngũ sắc được treo dọc con đường trải dài hơn 3 cây số, xe cộ nườm nượp ra vào của những người con xa quê khiến cho vùng quê thuần nông bình dị xôn xao.

3(1).jpg
Khen thưởng các cháu có thành tích học tập.

Đi trên con đường thênh thang “sáng - xanh - sạch - đẹp”, trời đang trở lạnh với từng đợt gió rét, nhưng chúng tôi cảm nhận được hơi ấm từ cánh đồng ruộng bao la cùng với những khởi sắc trong cuộc sống của người dân nơi đây, dường như đã trở thành yếu tố để không khí của ngày sắp bước sang xuân ở xã Tân Hồng, huyện Bình Giang (Hải Dương) đến sớm hơn so với những nơi khác.

Nhịp sống rạo rực, tràn trề của làng quê nghèo thuộc đồng bằng Bắc Bộ không chỉ là những cánh đồng mướt màu no ấm, những ngôi nhà san sát hồng tươi mái ngói, đường rợp bóng muôn sắc hoa, hàng cây thẳng tắp, cổng làng cổ kính rêu phong, mà còn là dòng chảy tha thiết của mạch nguồn truyền thống hiếu học được hình thành từ thủa ông cha. Cho đến hôm nay, lớp lớp cháu con làng Mộ Trạch vẫn thuộc lòng câu: “Thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm”. Làng Chằm ở đây là (làng Mộ Trạch) đất nghèo đẻ “Trạch vàng” vang danh trong nước và thế giới. Người làng Chằm đã biết phát huy, khơi dậy sức mạnh truyền thống ấy vươn lên làm chủ tri thức, góp sức mình xây dựng quê hương đất nước.

2. Bước qua cổng làng Mộ Trạch uy nghi, cổ kính, đầu làng là Đền thờ Thủy tổ họ Vũ - Võ Việt Nam: Vũ Hồn - Thành hoàng làng Mộ Trạch và nhà bia, lưu danh những bậc làm nên tên tuổi "làng tiến sỹ". Chúng tôi được ông Vũ Quốc Ái - Thường trực Ban Quản lý di tích “làng Tiến sỹ”, Chi hội trưởng khuyến học thôn Mộ Trạch dẫn lên Từ Đường. Dẫu bước chân đã run, ánh mắt đã mờ, nhưng khi nói về truyền thống, lòng hiếu học ở Mộ Trạch, người cao niên này, không giấu nổi niềm tự hào trong những câu chuyện kể. Rằng ngày xưa, Mộ Trạch được mệnh danh làng Khoa bảng, làng cổ văn hóa nổi tiếng khắp đất nước về truyền thống hiếu học và thành đạt của xứ Đông xưa, từ Thế kỷ XIV - XVIII đã sản sinh ra 36 vị tiến sỹ đỗ đại khoa. Trong số 82 tấm bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn lại đến ngày nay thì có tới 18 bia ghi tên 25 vị tiến sĩ làng Mộ Trạch, còn tại Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương) có ghi đầy đủ tên tuổi của 36 vị tiến sĩ làng Mộ Trạch. Khoa thi Bính Thân năm 1656, cả nước có hơn 3.000 người dự thi, chỉ có 6 người đỗ tiến sỹ, trong đó có 3 người họ Vũ: Vũ Trác Lạc, Vũ Đăng Long và Vũ Công Lượng. Chính vì vậy, Mộ Trạch được lời vàng ban tặng: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” tức là (Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ). Đặc biệt, khoa thi năm 1304 Giáp Thìn thời Lê Sơ, Mộ Trạch có 2 anh em là Vũ Hán My, Vũ Nghiêu Tá đỗ bảng vàng tiến sỹ vinh quy bái tổ về quê. Không những vậy, nơi đây còn nổi danh tài năng xuất chúng với các Trạng được lưu truyền: Trạng toán Vũ Hữu, Trạng vật Vũ Phong, Trạng cờ Vũ Huyến, Trạng chạy Vũ Cương Trực, Trạng nguyên Lê Đỉnh.

3. Suốt bao năm qua, các thế hệ của làng noi theo gương sáng cha ông, bồi đắp truyền thống hiếu học, làm sáng danh dòng họ và quê hương. Bởi sự học không để “giữ trọn danh thơm” của các bậc tiền nhân đi trước, góp phần xây dựng cho quê hương văn minh, giàu đẹp từ truyền thống hiếu học. Ông Dương Xuân Khoát - Chủ tịch Hội khuyến học xã Tân Hồng chia sẻ thành tích học tập của lớp lớp con cháu như mạch chảy chữ “làng Tiến sỹ” được lưu dấu tích tại giếng mắt Rồng, Miếu thờ thủy tổ họ Vũ. Người dân vẫn truyền nhau câu: “Truyền rằng ở mạch giếng này/ Là nguồn khoa bảng, chỉ đầy không vơi".

1.1.jpg
Mỗi dịp Lễ hội con cháu làng Mộ Trạch lại về thắp hương cho tổ tiên.

Ông Khoát cho biết thêm: Ít có địa phương nào như xã Tân Hồng thành lập được các Chi hội khuyến học để tổ chức các phong trào thi đua học tập nhằm động viên, biểu dương khen thưởng kịp thời các em học sinh khi năm học kết thúc và vào dịp hội làng. Tùy tình hình thực tế mà quỹ của từng chi hội, các dòng họ tổ chức trao thưởng cho học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, tỉnh, quốc gia, học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Trước mỗi kỳ thi đại học, Chi hội Khuyến học Mộ Trạch lại mời các tiến sỹ đầu ngành, các giảng viên đại học là những người con quê hương về tư vấn, phổ biến kinh nghiệm thi cử cho các em học sinh.

Xã Tân Hồng tự hào là miền đất khoa bảng, chính vì vậy mạch chữ, sự học luôn đạt được thành tựu xuất chúng. Tính từ năm 1975 đến nay, toàn xã có trên 500 người thi đỗ đại học (trong đó có 15 tiến sỹ và 1 phó giáo sư). Trong đó người con của làng Mộ Trạch mang nguồn gốc dòng họ Vũ - Võ học hành tấn tới, hiển đạt, đóng góp xây dựng đất nước, với tên tuổi như: Vũ Xuân Quang, Nhữ Đình Hòa, Vũ Xuân Chung, Phạm Hữu Giang, Vũ Hoàng Giang, TS. Nhữ Đình Lưu,... PGS, TS. Võ Thanh Sang, giảng viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh), được phong học hàm phó giáo sư vào năm 34 tuổi, có nhiều đóng góp cho khoa học. Ông được trao giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng toàn quốc năm 2017 ở lĩnh vực Công nghệ sinh học, Huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Ông Vũ Hồng Quang - thương binh 1/4, đảng viên 60 năm tuổi Đảng, tấm gương gia đình hiếu học đã vượt lên trên nỗi đau thể xác, hoàn cảnh gia đình khó khăn để nuôi dạy 5 người con học đại học và cô con gái đầu hiện đang là tiến sỹ tại Pháp. Ông Quang chia sẻ: "Như là cái nếp, làng tôi dù nhiều người kinh tế chưa cao, nhưng cũng cố gắng vì tương lai của con mà chịu đầu tư cho các cháu học hành. Học để làm người tốt, để lập thân và cống hiến".

Sự nghiệp giáo dục của xã Tân Hồng nay đang vươn mình trên vùng quê đổi mới. Hồ hởi tiếp chúng tôi, ông Vũ Ngọc Hưng - Chủ tịch UBND xã, giọng nói đầy tự hào: Các trường học trong xã đều đạt chuẩn Quốc gia, năm học 2023 - 2024, trường tiểu học có 3 học sinh giỏi Quốc gia, 11 em học sinh giỏi cấp tỉnh và 32 em học sinh giỏi cấp huyện, Trường trung học cơ sở có 28 em đạt giải học sinh giỏi các cấp (trong đó 7 em đạt giải cấp tỉnh, 1 em đạt giải Quốc gia). Nhờ vào tài năng học tập, người con của quê hương Mộ Trạch thành đạt trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài đem lại tự hào cho quê hương. Tân Hồng đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, đạt được thành tựu vượt bậc, đường xá khang trang nhờ công lao đóng góp của Tiến sỹ Võ Văn Hồng, với 70 tỷ đồng ủng hộ địa phương. Hàng năm, xã có hàng trăm đoàn khách với hàng vạn người đến thăm quan, thắp hương tưởng ngày hội làng… nhưng môi trường luôn sạch sẽ, đặc biệt không có hiện tượng vứt rác bừa bãi ra môi trường, bởi xã Tân Hồng đặt tiêu chí bảo vệ môi trường lên hàng đầu, gắn với văn minh, văn hóa của miền đất hiếu học. Trong xã, từ lâu mọi người đã bảo nhau thực hiện phân loại rác tại nguồn, góp phần giảm thiểu bãi chôn lấp rác. Các gia đình đều đầu tư thùng chứa rác, tại khu di tích đều có bảng biểu nội quy, quy định về bảo vệ môi trường.

Mộ Trạch - Tân Hồng đang vào xuân, đường làng muôn hoa đua nở. Người dân tận tình đón tiếp khách về thăm, tham dự lễ hội truyền thống làng Mộ Trạch. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, vào các ngày mồng 7, mồng 8 và mồng 9 tháng Giêng, con cháu làng Mộ Trạch sinh sống và làm ăn xa quê, cũng như khách thập phương khắp nơi lại tụ hội về làng để tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức Thần Tổ và các thế hệ tiền nhân đã góp phần lưu danh thơm “làng Tiến sỹ”.

Thúy Hằng - Phạm Hoàng