Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg ngày 21/01/2025 phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040.
Quy mô lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thủ Đức với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.156,9 ha.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao và hợp tác phát triển; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.
Có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với các khu vực trong Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trọng điểm trong vùng Đông Nam Bộ bằng các phương thức đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa; phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng; phát triển hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại I và loại đặc biệt, tạo điều kiện để phát triển hạ tầng số, hạ tầng đô thị thông minh.
Thành phố Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; trung tâm phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.
Thành phố Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số củaThành phố, vùng Đông Nam Bộ và vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía Đông của vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự kiến đến năm 2030, đất xây dựng toàn đô thị Thành phố Thủ Đức khoảng 16.200 - 16.500 ha (trung bình khoảng 89 - 90 m2/người); trong đó, đất dân dụng khoảng 12.000 - 12.200 ha (trung bình khoảng 66 - 67 m2/người); quy mô dân số khoảng 1.500.000 người - 1.825.000 người.
Tổ chức các trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại
Theo Quy hoạch, phát triển trung tâm tài chính quốc gia, có vai trò quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm; bảo đảm việc tổ chức không gian đô thị, cung ứng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các dịch vụ tài chính cho nền kinh tế quốc gia. Tiếp tục đầu tư và bổ sung xây dựng mới khu trung tâm dịch vụ thươngmại, hội chợ, triển lãm gắn với 11 trọng điểm phát triển của thành phố, các khu vực đầu mối giao thông công cộng và tại các khu đô thị.
Bên cạnh đó, tổ chức không gian sản xuất công nghiệp, công nghệ cao: Tiếp tục nâng cấp, phát triển Khu công nghệ cao hiện hữu, quy mô khoảng 913 ha, theo hướng kết nối hoạt động sản xuất, tập trung nghiên cứu - phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái sáng tạo để dẫn dắt trình độ công nghệ của khu vực và quốc gia; xây dựng khu Công viên Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tại phường Long Phước với quy mô diện tích khoảng 194,8 ha. Các khu công nghệ cao phát triển theo hướng nghiên cứu - phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, kết hợp với dịch vụ phục vụ cho hoạt động của khu công nghệ cao để nâng cao sức hấp dẫn đối với người lao động trình độ cao. Tạo lập hệ sinh thái sáng tạo, kết nốihoạt động sản xuất, dịch vụ và tổ chức khu lưu trú phù hợp với mô hình sảnxuất mới.
Đối với 04 khu công nghiệp - chế xuất hiện hữu tại các phường Linh Trung, Bình Chiểu và Thạnh Mỹ Lợi, có quy mô diện tích khoảng 280 - 290 ha, khuyến khích chuyển đổi không gian phù hợp với mô hình sản xuất theo hướngứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, giảm thiểu tác động tiêu cực tớimôi trường đô thị.
Phát triển 4 trung tâm logistics tích hợp chức năng cảng cạn tại các khu vực cảng hàng hóa, khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp, chế xuất với quy mô khoảng 400 - 450 ha, bao gồm: trung tâm Logistics Long Bình, trung tâm Logistics Cát Lái, trung tâm Logistics Linh Trung, trung tâm Logistics Khu Công nghệ cao; khuyến khích nghiên cứu phát triển chức năng logistics tại Khu Công viên Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, khu đầu mối giao thông, theo nhu cầu phát triển. Quy hoạch hệ thống bến xe ô tô hàng và bến hàng hóa để hỗ trợ cho dịch vụ logistics và sản xuất, kinh doanh, trên địa bàn thành phố Thủ Đức, với quy mô khoảng 120 - 130 ha; tổ chức giao thông vận tải tại các trung tâm logistics, cảng cạn và bến hàng hóa được phân tách với giao thông đô thị và bảo đảm kết nối vận tải đường thủy quốc gia và quốc tế...
Không gian thành phố Thủ Đức được chia thành 09 khu vực phát triển
Quyết định nêu rõ, không gian thành phố Thủ Đức được chia thành 09 khu vực phát triển, cụ thể như sau:
Phân vùng số 1: Thuộc các phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Thảo Điền và một phần các phường An Khánh, An Phú; được giới hạn bởi các tuyến: đường Mai Chí Thọ và sông Sài Gòn, Rạch Chiếc. Quy mô diện tích khoảng 1.808 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.500 - 1.550 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 347.000 người.
Tính chất: Là trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực và có vị thế quốc tế; khu đô thị hỗn hợp gắn với cảnh quan sinh thái ngập nước ven sông Sài Gòn; có vai trò không gian kết nối thành phố Thủ Đức với khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh.
Phân vùng số 2: Thuộc phường Hiệp Bình Chánh và một phần các phường Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Tam Bình; được giới hạn bởi các tuyến: đường Võ Nguyên Giáp, Vành đai 2, quốc lộ 1 và sông Sài Gòn. Quy mô diện tích khoảng 2.043 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.760 - 1.810 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 270.000 người.
Tính chất: Là khu trung tâm mới của thành phố gắn với trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại; có vai trò cửa ngõ của thành phố Thủ Đức gắn với bến thủy du lịch tại Trường Thọ và đầu mối quản lý, điều tiết thoát nước mưa.
Phân vùng số 3: Thuộc các phường Linh Tây, Linh Chiểu, Bình Thọ, Linh Trung, Bình Chiểu, Linh Xuân và một phần các phường Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước; được giới hạn bởi các tuyến: đường Võ Nguyên Giáp - Xa lộ Hà Nội, đường Vành đai 2, quốc lộ 1 và ranh giới hành chính giữa tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Quy mô diện tích khoảng 2.739 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 2.700 - 2.730 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 460.000 người.
Tính chất: Là khu đô thị đô thị hiện hữu gắn với đào tạo và trung tâm sản xuất, dịch vụ trung chuyển.
Phân vùng số 4: Bao gồm phường Long Bình và một phần các phường Tân Phú, Long Thạnh Mỹ; được giới hạn bởi ranh giới với tỉnh Bình Dương, quốc lộ 1, đường nối đường Vành đai 3 với Xa lộ Hà Nội, sông Tắc và sông Đồng Nai. Quy mô diện tích khoảng 2.945 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 2.600 - 2.650 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 300.000 người.
Tính chất: Là trung tâm văn hóa gắn với vui chơi giải trí của Thành phố Hồ Chí Minh; trung tâm công nghiệp cảng và dịch vụ hậu cần cảng gắn với sông Đồng Nai; có vai trò khu vực cửa ngõ phía Đông của thành phố, kết nối với các khu vực đô thị, công nghiệp tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Phân vùng số 5: Thuộc phường Long Phước và một phần các phường Trường Thạnh, Long Trường; được giới hạn bởi các đường Vành đai 3, đường nối Vành đai 3, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, sông Tắc, sông Đồng Nai, rạch Ông Nhiêu. Quy mô diện tích khoảng 3.634 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 2.620 - 2.670 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 230.000 người.
Tính chất: Là trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao gắn với nghiên cứu, đào tạo; có vai trò là khu vực cửa ngõ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phân vùng số 6: Thuộc một phần các phường Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, Bình Trưng Đông, Phú Hữu; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Chí Công, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, rạch Ông Nhiêu và sông Đồng Nai. Quy mô diện tích khoảng 1.724 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.310 - 1.360 ha; đến năm 2040 dân số là 130.000 người.
Tính chất: Là trung tâm dịch vụ cảng, công nghiệp và logistics của Thành phố Hồ Chí Minh và các khu đô thị lân cận.
Phân vùng số 7: Thuộc phường Bình Trưng Tây và một phần các phường: An Khánh, An Phú, Phú Hữu, Bình Trưng Đông, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Chí Công, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Mai Chí Thọ và sông Sài Gòn. Quy mô diện tích khoảng 1.748 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.480 - 1.530 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 300.000 người.
Tính chất: Là trung tâm thành phố Thủ Đức hiện hữu; không gian kết nối các khu vực động lực của thành phố gồm cảng và trung tâm tài chính Thủ Thiêm.
Phân vùng số 8: Thuộc các phường Phước Long A, Phước Long B, Phước Bình và một phần các phường An Phú, Tăng Nhơn Phú B, Phú Hữu; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 2. Quy mô diện tích khoảng 1.382 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.300 - 1.350 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 253.000 người.
Tính chất: Là trung tâm thể dục thể thao của Thành phố Hồ Chí Minh, có vai trò là khu liên hợp thể dục thể thao cấp quốc gia; trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí của thành phố Thủ Đức; khu đô thị phát triển mới đan xen với các khu hiện hữu.
Phân vùng số 9: Thuộc các phường Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B và một phần các phường Phước Long B, Tân Phú, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, Long Trường, Phú Hữu; được giới hạn bởi các tuyến Vành đai 2, Xa lộ Hà Nội, đường nối Vành đai 3, Vành đai 3, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô diện tích khoảng 3.135 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 3.000 - 3.050 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 350.000 người.
Tính chất: Là trung tâm sản xuất công nghệ cao và các khu đô thị phụ cận.
Chương trình và dự án ưu tiên đầu tư
Phó Thủ tướng yêu cầu bố trí, huy động nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, bao gồm: Các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung và giao thông công cộng; dự án xây dựng, phát triển các khu vực trọng điểm tại các phân khu đô thị; dự án, đề án, chương trình phát triển công nghệ cao, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; dự án phát triển các khu TOD, các tổ hợp hỗn hợp với chức năng chính là nghiên cứu, đào tạo, sản xuất công nghệ cao, văn phòng, thương mại dịch vụ, nhà ở…; dự án xây dựng hệ thống công viên công cộng, công viên chuyên đề; dự án cải tạo chỉnh trang, tái phát triển các khu dân cư hiện hữu; dự án phát triển hạ tầng xã hội, đặc biệt là dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, nhà dưỡng lão, văn hoá, thể dục thể thao, nhà ở xã hội.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, chỉ đạo tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch được duyệt; lưu trữ và lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định pháp luật.
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 (gồm thuyết minh, bản vẽ và quy định quản lý theo Đồ án quy hoạch) theo đúng quy định, gửi Bộ Xây dựng xác nhận và lưu trữ, lưu giữ theo quy định.
Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch chung thành phố Thủ Đức. Tổ chức lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc; rà soát các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm thống nhất và phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 được phê duyệt.
Nguồn lực thực hiện Quy hoạch từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật. Xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư.