Văn bản mới

Hoàn thiện hành lang pháp lý về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi

Phạm Oanh 21/01/2025 - 10:57

Chăn nuôi là một trong số lĩnh vực gây phát thải khí nhà kính (KNK) và cũng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng giảm phát thải nếu triển khai đồng bộ giải pháp chính sách và quy định.

Để hoàn thiện hành lang pháp lý ở lĩnh vực này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 19/2024/TT-BNNPTNT của quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi. Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/1/2025.

chan-nuoi.png

Nguyên tắc thực hiện kiểm kê

Theo Thông tư số 19/2024/TT-BNNPTNT, kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK cần tuân thủ các nguyên tắc: Đầy đủ, nhất quán, minh bạch, chính xác, so sánh được.

Cụ thể, tính đầy đủ: Việc kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK phải thực hiện đối với tất cả các nguồn phát thải KNK, các nguồn hấp thụ KNK. Số liệu được thu thập liên tục, không bị gián đoạn;

Tính nhất quán: Việc kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK đảm bảo thống nhất về phương án giám sát, số liệu tính toán, phương pháp kiểm kê KNK, phương pháp tính toán kết quả giảm nhẹ phát thải KNK;

Tính minh bạch: Các tài liệu, dữ liệu, giả định, số liệu hoạt động, hệ số áp dụng, phương pháp tính toán được giải thích rõ ràng, trích dẫn nguồn, được lưu giữ để đảm bảo độ tin cậy, tính chính xác cao;

Tính chính xác: Tính toán kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK đảm bảo độ tin cậy theo phương pháp luận lựa chọn và giảm tối đa các sai lệch;

Tính so sánh được: Kết quả kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK của một cơ sở, lĩnh vực đảm bảo các điều kiện về số liệu, phương pháp luận có tính tương đồng để có thể so sánh được.

Thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cần duy trì tính độc lập với các bên liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khách quan trong quá trình đánh giá; Đảm bảo sự trung thực, chính xác, khách quan và không thiên lệch.

Theo số liệu công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2014-2020, phát thải khí nhà kính ngành chăn nuôi tăng từ 19,1 triệu tấn CO2tđ lên 20,9 triệu tấn CO2tđ, dự kiến là 34,1 triệu tấn CO2tđ năm 2025 và 36,3 triệu tấn CO2tđ năm 2030.

Quy trình và phạm vi kiểm kê

Cũng theo Thông tư số 19/2024/TT-BNNPTNT, quy trình kiểm kê KNK cấp cơ sở gồm các bước: Xác định phạm vi kiểm kê KNK cấp cơ sở; Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê KNK cấp cơ sở; Lựa chọn hệ số phát thải KNK cấp cơ sở; Xác định phương pháp kiểm kê và tính toán phát thải KNK cấp cơ sở; Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm kê KNK cấp cơ sở; Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê KNK cấp cơ sở; Tính toán lại kết quả kiểm kê KNK cấp cơ sở; Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê KNK cấp cơ sở.

Kiểm kê KNK cấp cơ sở được thực hiện đối với các nguồn phát thải thuộc phạm vi quản lý của cơ sở gồm nguồn phát thải trực tiếp và nguồn phát thải gián tiếp.

Trong đó, nguồn phát thải trực tiếp gồm: Phát thải do tiêu hóa thức ăn của vật nuôi; Phát thải do phân thải vật nuôi; Phát thải từ các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình chăn nuôi; Phát thải KNK là các dung môi chất lạnh từ thiết bị và quá trình sản xuất, rò rỉ dung môi chất lạnh của thiết bị sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

Nguồn phát thải gián tiếp gồm: Phát thải do tiêu thụ điện năng mua từ bên ngoài; Phát thải do sử dụng năng lượng hơi mua từ bên ngoài.

Phạm Oanh