Xã hội

Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt

Thùy An 20/01/2025 - 13:27

Sáng 20/1, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tổ chức họp báo về công tác tổ chức và quản lý lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025 và công bố quyết định công nhận khu du lịch cấp thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương 2025 Đặng Văn Cảnh cho biết, Lễ hội du lịch chùa Hương 2025 có chủ đề “Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt” diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5/2025 (tức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết mùng 4 tháng Tư năm Ất Tỵ). Lễ khai hội vào ngày 3/2 (tức mùng 6 tháng Giêng).

ae07e4cba78818d6419920250120105200.jpg
Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương Đặng Văn Cảnh phát biểu tại cuộc họp báo.

Điểm nổi bật của Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025 là Ban Tổ chức tiếp tục tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội với mục tiêu hướng đến khẳng định Chùa Hương là một điểm đến du lịch, văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Theo kế hoạch, UBND huyện Mỹ Đức đã tăng cường thông tin, quảng bá lễ hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời chỉnh trang cảnh quan dọc tuyến đường tỉnh lộ 419 (từ Đốc Tín đi Hương Sơn) và khu vực hai bên suối Yến để mang lại không gian sạch đẹp, thoáng đãng cho du khách.

Đặc biệt, Tuần lễ Văn hóa du lịch (từ 11/3 đến 18/3) sẽ bao gồm các hoạt động nổi bật như hội chợ thương mại với các sản phẩm OCOP địa phương, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, triển lãm ảnh “Chùa Hương xưa và nay”, đêm thơ Nguyên tiêu, đua thuyền, múa rối cạn, và các chương trình múa rồng, rước kiệu ngày xuân.

Để giảm phiền hà cho du khách, tránh thất thoát nguồn thu từ phí cho ngân sách, huyện Mỹ Đức quyết định phát hành vé điện tử tham quan thắng cảnh tích hợp với sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò. Hơn 3.700 thuyền đò của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Hương Sơn đã được sửa sang, sơn bằng màu xanh, trang bị đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che nắng, che mưa, ghế ngồi, nước uống miễn phí... Mỗi xã viên lái đò có một mã QR để Hợp tác xã quản lý, mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách. Thời gian phục vụ du khách bằng thuyền đò được bắt đầu từ 4h30 đến 20h hằng ngày.

Các biện pháp quản lý cũng được siết chặt, bao gồm kiểm tra, xử lý việc bày bán hàng hóa không phù hợp, cấm sử dụng loa kéo gây ồn ào, và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực lễ hội. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng với các nhà vệ sinh công cộng miễn phí và hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải thường xuyên.

Từ ngày 1/1/2025, giá vé tích hợp phí tham quan và dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò tuyến Hương Tích đối với người lớn là 230.000 đồng, trẻ em là 65.000 đồng. Tuyến Long Vân - Tuyết Sơn là 85.000 đồng đối với người lớn và 50.000 đồng với với trẻ em.

Đối với dịch vụ vận chuyển bằng cáp treo từ chùa Thiên Trù đi động Hương Tích vé khứ hồi là 260.000 đồng đối với người lớn, 180.000 đồng đối với trẻ em và người được ưu tiên. Giá đi một lượt là 180.000 đồng đối với người lớn, 120.000 đồng đối với trẻ em và người ưu tiên.

Giá vé vận chuyển bằng xe điện từ bãi gửi xe đến bến đò là 20.000 đồng/người/lượt.

Giá vé trông phương tiện, huyện Mỹ Đức đang đề xuất thành phố Hà Nội cho phép thu phí đối với xe ô tô vận chuyển khách dưới 9 chỗ là 30.000 đồng/lượt, trên 10 chỗ là 50.000 đồng/lượt, nếu gửi qua đêm sẽ thu thêm 20.000 đồng/xe.

Cũng trong khuôn khổ họp báo, Ban tổ chức đã công bố quyết định công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) là Khu du lịch cấp thành phố. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, du lịch của địa phương.

Thùy An