Môi trường

Đắk Nông: Nhiều chuyển biến tích cực trong thu gom, xử lý rác sinh hoạt

Phạm Hoài 17/01/2025 - 19:10

(TN&MT) - Trong thời gian qua, trước sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cũng như việc đồng bộ nhiều giải pháp ở các cấp nên quá trình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở các địa phương đã có những chuyển biến tích cực.

1(3).jpg
Các bãi rác đang được cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông quy hoạch và đầu tư lại

Cải thiện đáng kể

Theo Sở TN&MT Đắk Nông, thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã tích cực giải quyết vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). UBND các huyện, thành phố đã chủ động sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm để hỗ trợ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH) tại nơi công cộng, trường học, trụ sở cơ quan đáp ứng được nhu cầu của địa phương.

Hiện tại, hệ thống thu gom CTRSH) trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Các huyện, thành phố đã bố trí thùng rác công cộng, xe thu gom di động và chỉ đạo các đơn vị thu gom bảo đảm công tác vận chuyển, xử lý rác đúng quy định. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các đơn vị thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thực hiện tốt công tác quản lý CTRSH. Nhờ vậy, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương được duy trì và ngày càng hiệu quả hơn.

Qua tính toán sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 159.500 tấn/năm, tương đương 437 tấn/ngày. Đến hết năm 2024, tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH đạt 75%, tương đương gần 328 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng CTRSH) của huyện Đắk Mil khoảng trên 50.000 tấn/năm, chiếm gần 1/3 toàn tỉnh và nhiều nhất trong 8 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong những năm qua, hạ tầng kỹ thuật - môi trường trên địa bàn huyện Đắk Mil đã có nhiều chuyển biến đáng kể; trong đó, có việc thu gom, xử lý CTRSH. Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ rác thải ở đô thị của huyện Đắk Mil đã được thu gom, xử lý đạt 98,7%; tỷ lệ rác thải ở khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đạt 63%.

23(1).jpg
Một bãi rác mới được đầu tư phục vụ xử lý rác sinh hoạt tại huyện Đắk R'Lấp

Triển khai nhiều mô hình

Theo Sở TN&MT, Đắk Nông là tỉnh có địa hình dốc, diện tích rộng, dân cư phân tán, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Điều này gây khó khăn trong việc thu gom rác sinh hoạt khi nhiều hộ gia đình ở xa các tuyến đường giao thông chính. Ở khu vực nông thôn, mật độ dân cư thưa thớt và hạ tầng giao thông hạn chế nên việc tiếp cận để thu gom rác trở thành một bài toán nan giải. Hiện tại, hạ tầng phục vụ công tác quản lý CTRSH tại Đắk Nông còn nhiều hạn chế. Trong số 16 bãi xử lý rác sinh hoạt đang hoạt động tại 8 huyện, thành phố, thì có tới 15 bãi xử lý rác đều chôn lấp theo hình thức lộ thiên. Nhiều bãi chôn lấp rác hiện tại chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, gây nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng cho đất và nguồn nước.

Có thể kể đến một số bãi rác không hợp vệ sinh, thường xuyên gây ảnh hưởng đến đời sống người dân như: bãi rác xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil; bãi rác Cư K’nia, huyện Cư Jút; bãi rác thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp; bãi rác xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức… Ngoài ra, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại là một thách thức lớn. Các dự án xử lý, tái chế rác thải ở Đắk Nông vẫn đang trong quá trình thi công hoặc chưa thể triển khai.

Trước những khó khăn đó, trong năm 2024, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Sở TN&MT Đắk Nông phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Đắk Nông còn triển khai nhiều mô hình phân loại và thu gom rác tái chế tại các địa phương, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Ngoài những giải pháp từ phía địa phương, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của Trung ương trong việc ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động xây dựng cơ sở tái chế và xử lý rác.

Phạm Hoài