Bến Tre: Làng hoa kiểng tất bật mùa vụ Tết
(TN&MT) - Những ngày này, người dân vùng trồng hoa, cây kiểng của Bến Tre đang tất bật chăm sóc và bắt đầu đưa ra thị trường hàng chục triệu sản phẩm hoa, kiểng các loại phục vụ nhu cầu người dân đón Tết Ất Tỵ năm 2025. Nơi đây, làng nghề truyền thống hơn 100 năm đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động và góp phần thúc đẩy kinh - xã hội địa phương phát triển.
Sôi động mùa hoa, kiểng Tết
Chúng tôi vừa trở lại các địa phương trên địa bàn huyện Chợ Lách (Bến Tre), đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân tất bật chăm sóc hoa, cây kiểng chuẩn bị bán Tết. Dọc hai bên đường từ huyện Mỏ Cảy Bắc đến thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách) có nhiều chậu hoa giấy, cúc mâm xôi, mai vàng, quất, vạn thọ, màu gà, kiểng thú, hoa treo… tràn ngập sắc màu, trông rất đẹp mắt. Nơi đây, người dân chuyên sản xuất hoa, cây kiểng cung ứng cho thị trường quanh năm nhưng nhiều nhất là vào dịp cận Tết.
Mới sáng sớm, bà Nguyễn Thị Loan ở xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách đã cắt tỉa, sửa cành cho diện tích hơn 2.000 m2 đất trồng cây bông giấy đang chớm nở chuẩn bị giao cho thương lái đến mua trực tiếp tại chỗ. Khi được hỏi về tình hình sản xuất hoa kiểng cho mùa vụ Tết này, bà Loan hớn hở cho biết: “Năm nay, tôi trồng hoa giấy thấy trổ đẹp hơn, buôn bán đắt hơn, giá bán cũng tương đối cao hơn. Nói chung là có nhiều thuận lợi hơn năm trước”. Tương tự, người dân trồng cúc mâm xôi tại các xã Vĩnh Thành, Long Thới, Hòa Nghĩa... cũng rất vui mừng khi hầu hết sản lượng đều được thương lái đến đặt hàng thu mua.
Hiện tại, vườn hoa, cây kiểng của các hộ dân vùng này có rất nhiều loại với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng mỗi chậu nên phục vụ rất đa dạng đối tượng khách hàng. Nơi này, đa phần hộ dân sinh sống trên địa bàn làm hoa, cây cảnh bán Tết, người ít thì vài trăm chậu còn người nhiều lên đến vài ngàn chậu. Họ cho biết, để trồng cúc mâm xôi phải chuẩn bị xuống giống từ 6 tháng trước Tết và chăm sóc cẩn thận để ra hoa đúng vào dịp Tết. Còn đối với cây tắc, để có được những chậu có nhiều thân cây ghép chung với nhau thì phải tập trung đầu tư từ nhiều tháng trước, đặc biệt với những loại cây đứng riêng lẻ một mình thì phải đầu tư chăm sóc ngay từ đầu năm trước đến nay mới xuất bán ra thị trường được...
Ông Trần Hữu Nghị, Phó Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách chia sẻ, năm nay, tại các làng trồng hoa, cây kiểng của địa phương sản xuất với số lượng khoảng 20 triệu sản phẩm, trong đó có 12 triệu sản phẩm các loại để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cao hơn năm trước khoảng 20%. Đến thời điểm hiện tại, một số sản lượng hoa, cây cảnh trên địa bàn được thương lái đặt hàng; số lượng còn lại người dân sẽ mang ra chợ Tết bán hoặc bán hàng qua kênh online. Hàng năm, địa phương đều liên hệ, kết nối với các chợ hoa tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực để người dân thuê lô tiêu thụ hoa, cây cảnh trong dịp cận Tết.
Hiện nay, thị trường mua bán hoa kiểng vùng quê này bắt đầu sôi động; đặc biệt Lễ hội hoa kiểng vừa diễn ra thu hút hàng chục ngàn du khách đến với Chợ Lách đã kích cầu tiêu thụ mặt hàng nông sản này. Tình hình tiêu thụ hoa kiểng năm nay có thể rất khá, nông dân bán tại vườn cơ bản ổn hơn năm rồi, còn bán tại chợ thì còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của người dân. Nhìn chung hiện tại hoa kiểng Chợ Lách nhờ cộng hưởng có Lễ hội hoa kiểng kích cầu sẽ bán được số lượng lớn.
Nâng tầm thương hiệu
Trao đổi với chính quyền địa phương, chúng tôi được biết, tận dụng những lợi thế sẵn có, tỉnh Bến Tre đã triển khai xây dựng không gian Làng văn hoá du lịch Chợ Lách với tổng diện tích hơn 1.490 ha nhằm đưa nơi đây trở thành một trung tâm du lịch mang tầm quốc gia, có sự cạnh tranh cao, đồng thời trở thành một sản phẩm đặc thù của địa phương. Điểm nhấn của Làng văn hoá du lịch là các làng nghề truyền thống như sản xuất cây giống, hoa kiểng và chế biến trái cây. Đây là nơi hội tụ các sản phẩm dịch vụ nông nghiệp đặc sắc kết hợp với các hoạt động như tự tay ghép cành cây, tạo hình kiểng bonsai hay tham quan các vườn trái cây trĩu quả.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi, giá cả thị trường tiêu thụ hàng nông sản ổn định. Trong đó, tình hình sản xuất cây giống và hoa kiểng được duy trì và có xu hướng mở rộng diện tích, sản xuất đa dạng chủng loại cây giống. Chợ Lách hiện có khoảng 15.000 hộ trên tổng số 34.000 hộ dân của huyện tham gia sản xuất cây giống, hoa kiểng, đây là nguồn kinh tế chủ lực của nông dân nhà vườn Chợ Lách.
Ngoài ra, huyện Chợ Lách còn có cả ngàn nghệ nhân hoa kiểng, hàng chục ngàn nông dân giỏi các cấp, nhiều mô hình nông dân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong ứng dụng công nghệ sinh học để sưu tầm và bảo tồn giống cây đầu dòng, vườn đầu dòng, tạo tác hoa kiểng và nâng cao giá trị ngành hàng hoa kiểng, cây giống tại địa phương trở thành “thương hiệu” bậc nhất trong khu vực và cả nước.
Nói về Làng văn hóa du lịch tại địa phương, ông Phạm Anh Linh - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: "Nơi đây có một lịch sử phát triển lâu dài và đáng tự hào. Bằng tình yêu quê, yêu nghề, bằng bàn tay khối óc, trong hơn 100 năm qua, người dân nơi đây đã cần mẫn giữ gìn, vun đắp cho từng cành hoa, nhánh kiểng để làm giàu cho quê hương và làm đẹp cho đời. Hiện nay, huyện Chợ Lách có hơn 6.000 hộ chuyên trồng hoa, cây cảnh. Trong đó có 2.500 hội viên Hội Sinh vật cảnh với hơn 700 nghệ nhân cấp tỉnh và bảy nghệ nhân cấp quốc gia".
Theo ông Phạm Anh Linh, mới đây, huyện tổ chức chuỗi sự kiện Lễ hội hoa kiểng mang đến một “Sắc màu Chợ Lách” được phản ánh vừa sinh động, tươi mới, vừa sáng tạo, đầy cảm xúc trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội huyện nhà. Đó là một quá trình chuyển đổi nhận thức, tư duy, chiến lược cơ cấu nông nghiệp địa phương: Từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần đến kinh tế nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và hướng đến chia sẻ giá trị văn hoá nông nghiệp vốn được hình thành mang tính đặc hữu của một vùng đất mang trong mình lịch sử nghề làm cây giống, hoa kiểng hàng trăm năm nay.
Bên cạnh việc triển khai xây dựng Làng văn hóa du lịch Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đang triển khai Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia. Mục tiêu nhằm phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời tổ chức lại sản xuất nghề cây giống, hoa kiểng để huyện Chợ Lách nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh cây giống, hoa kiểng mang tầm quốc gia.