Xã hội

Làng nghề đặc sản xứ Quảng rộn ràng vào vụ Tết

Lan Anh 10/01/2025 - 11:18

(TN&MT) - Bánh in, bánh tổ, bánh thuẫn…đang được những người dân ở các làng nghề xứ Quảng tất bật làm để đưa ra thị trường Tết Nguyên đán. Với họ, làm bánh mứt truyền thống không chỉ để có thêm thu nhập mà còn để giữ vị Xuân xưa.

Những ngày cuối năm, làng bánh in truyền thống An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) luôn “đỏ lửa” gần như sáng đêm để cho ra những mẻ bánh ngon nhất đưa ra thị trường trong dịp Tết. Những tiếng gọi nhau í ới hòa cùng tiếng kêu của máy xay bột, tiếng gõ lốc cốc của người thợ đổ bánh ra khuôn và đặc biệt là mùi thơm nức mũi của nếp mới, đậu xanh quanh quẩn khắp đường làng, ngõ xóm… khiến người ta cảm nhận Tết đã đến thật gần, thật gần.

langnghe1.jpg
Dịp cuối năm, nhiều làng nghề làm bánh mứt ở xứ Quảng tất bật làm bánh, mứt truyền thống để "gọi Xuân về"

“Chiếc bánh in là vật phẩm không thể thiếu của người dân xứ Quảng trong mỗi dịp Tết. Trên bàn thờ tổ tiên, có bánh in, bánh tổ, bánh tét… là đủ để thấy gia đình có một cái tết ấm cúng” – bà Võ Thị Hồi, người dân làng bánh in An Lạc kể.

Gia đình bà Võ Thị Hồi là một trong những hộ còn giữ nghề bánh truyền thống này. Bà Hồi cho biết, cơ sở bà làm bánh in quanh năm nhưng rộ nhất là tháng Chạp. Nguyên liệu để làm bánh in gồm bột nếp, đậu xanh, đường cát, vani. Quy trình làm bánh cũng không phức tạp như những loại bánh khác, đậu xanh bóc vỏ, rang vàng, xoay nhuyễn thành bột. Bột nếp cũng làm tương tự, xong xuôi nấu đường cho tới đổ vào hỗn hợp bột nếp và đột xanh. Sau đó, trộn hợp hỗn cho đều. Tiếp tục công đoạn bỏ vô khuôn gỗ với nhiều hoa văn, họa tiết đẹp và cán bánh cho chặt, sau xếp bánh đã cán lên kệ. Công đoạn cuối cùng là đem bánh đi sấy khô.

banh-2.jpg
Chiếc bánh in là vật phẩm không thể thiếu của người dân xứ Quảng trong mỗi dịp Tết

Để đảm bảo chất lượng việc quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn vệ sinh và phải chú ý khâu nhào bột và khuấy nước đường. Ngoài ra, khâu in bánh cũng phải làm thế nào để bánh in chặt, đẹp mắt nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của bột nếp, do đó, thợ làm bánh cần phải tỉ mỉ, khéo léo.

Dịp Tết cổ truyền của dân tộc, cơ sở làm bánh của bà sản xuất khoảng 2 tấn bánh các loại, trong đó, bánh in đậu xanh được nhiều thương lái lựa chọn mua đưa đi phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

banh-3.jpg
Do làm bằng thủ công nên mỗi lát bánh thơm ngon là tâm huyết và đam mê của người thợ lành nghề.

Theo ông Đặng Xuân Cầm, ở thôn An Lạc, với hơn 20 năm trong nghề, nghề làm bánh in như một trong những cách để bà con kiếm thêm thu nhập. Nhưng sâu xa hơn còn là để cái tết vẫn còn hương vị cổ truyền. Dịp Tết gia đình ông sản xuất hơn 3 tấn bánh đậu xanh để bán cho các thị trường TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra, những người dân đến đặt làm, mang về quê ăn Tết hoặc làm quà biếu người thân ở khắp nơi.

Ông Lê Tấn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, hiện nay, làng nghề bánh in An Lạc có khoảng 18 cơ sở sản xuất bánh in đậu xanh, trong đó 6 cơ sở hoạt động thường xuyên, còn lại làm thời vụ. Mỗi khi vào mùa Tết, các cơ sở sản xuất từ 10 đến 30 tấn bánh đậu xanh. Nhờ vậy, các chủ cơ sở làm bánh mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và kiểm tra về vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với cơ sở làm bánh này. Hiện nay, ở địa phương có một cơ sở sản xuất bánh kẹo được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

banhno1.jpg
Người dân xã Nghĩa Trung tất bật làm bánh nổ

Xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi từ lâu được biết đến là làng nghề chuyên sản xuất bánh nổ truyền thống không những phục vụ trong tỉnh mà còn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành khác. Từ đầu tháng 11 Âm lịch, làng nghề trở nên bận rộn, hối hả hơn hẳn bởi thành phẩm mỗi ngày làm ra tăng gấp 3 so với thời điểm trước đó. Bà Nguyễn Thị Lượng - một trong những người làm bánh lâu năm ở xã Nghĩa Trung chia sẻ, làm bánh nổ rất nhiều công đoạn công phu, vất vả nên hiện chỉ có những người lớn tuổi còn giữ nghề.

Nguyên liệu làm bánh gồm có gạo nếp, đường, gừng, muối. Nếp được phơi khô, loại bỏ những hạt lép để khi rang trên bếp củi, hạt nếp nở bung lớp vỏ trấu ra ngoài, chỉ còn lại những bỏng nếp thơm, giòn, trắng. Để có được mẻ bánh nổ vừa đảm bảo độ giòn nhưng phải vừa vàng, không cháy, người canh lửa phải biết điều chỉnh. Đường nấu với gừng cũng không được để “già lửa” để bánh nổ đạt chuẩn phải có vị ngọt thanh, thơm mùi gừng và giòn, ngon.

“Dù hiện có máy móc thay cho sức lao động của người ở những công đoạn như đóng, cắt bánh nhưng người dân làm nghề vẫn muốn lưu giữ cách làm thủ công truyền thống của làng nghề”- bà Lượng cho hay .

banhno2.jpg
Bánh truyền thống nên vẫn được người dân lưu giữ cách làm thủ công

Trước sự phổ biến của các loại bánh, mứt công nghiệp, bánh truyền thống với hình thức, nguyên liệu mộc mạc, đơn sơ mất dần chỗ đứng. Thế nhưng, người dân xứ Quảng vẫn giữ nét truyền thống có từ xa xưa.

Cứ vào ngày Tết, bánh nổ, bánh in, bánh thuẫn... lại được trang trọng bày lên bàn thờ để cúng gia tiên, đãi khách như một nét đẹp văn hóa đã đi vào tiềm thức và khó thay thế.

Tết cổ truyền đang đến cận kề, những làng nghề truyền thống xứ Quảng vẫn đang tất bật cho ra những mẻ bánh dân dã, truyền thống. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn, cũng như lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và góp phần làm cho hương vị ngày Tết thêm ấm áp, sum vầy.

Lan Anh