Bình Định: Quản lý hiệu quả nguồn cung khoáng sản làm vật liệu xây dựng
(TN&MT) - Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại tỉnh Bình Định được thực hiện với nhiều điểm tích cực như đấu giá quyền khai thác khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đảm bảo được nguồn cung vật liệu cho các dự án, công trình trọng điểm… qua đó đã góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đáp ứng nhu cầu của địa phương
Theo ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện tuân thủ quy định theo giấp phép được cấp, chấp hành công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đầy đủ theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến khoáng sản để nâng cao giá trị khoáng sản. Hoạt động khai thác khoáng sản của tỉnh dần dần đi vào chiều sâu, quy mô công nghiệp được thay thế kiểu khai thác nhỏ lẻ trước đây nên sản lượng, giá trị khoáng sản, tạo nguồn thu từ khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là cung cấp vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, giải quyết nhiều việc làm cho lao động, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến tháng 12/2024, Bình Định có 111 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, hoạt động tập trung là khoáng sản làm vật liệu xây dựng ( VLXD), trong đó UBND tỉnh cấp phép 105 giấy phép, gồm 52 giấy phép đá xây dựng (bao gồm 25 mỏ đá xay nghiền và 27 mỏ đá làm VLXD thông thường có thu hồi đá khối); 17 giấy phép khai thác cát (2 giấy phép cát làm khuôn đúc, 2 giấy phép cát tô, 13 giấy phép cát sỏi lòng sông); 32 giấy phép đất san lấp; 4 giấy phép đất sét; Bộ TN&MT cấp 6 giấy phép gồm 3 giấy phép khai thác đá ốp lát, 2 giấy phép khai thác titan và 1 giấy phép nước khoáng nóng.
Ông Lê Văn Tùng cho biết, UBND tỉnh đã xác nhận 17 hồ sơ đăng ký khai thác đất với tổng trữ lượng 13,3 triệu m3; 7 mỏ cát lòng sông với tổng trữ lượng 1,63 triệu m3, cơ bản đã đáp ứng đủ nguồn vật liệu để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định. Ngoài ra, UBND tỉnh xác nhận 5 khu vực đăng ký khai thác đất, đá trong phạm vi dự án tuyến chính dự án cao tốc Bắc - Nam để phục vụ thi công công trình. Về đá làm vậy liệu xây dựng, bên cạnh việc đăng ký sử dụng đá trong phạm vi thi công tuyến chính dự án cao tốc, các nhà thầu sử dụng các mỏ đá đã cấp phép để thi công công trình. Ngoài ra, đối với các mỏ đất phục vụ các công trình vốn ngân sách tỉnh, đã cấp 36 giấy phép khai thác đất phục vụ các công trình trọng điểm và các công trình sử dụng vốn ngân sách tỉnh với trữ lượng 11,3 triệu m3.
Về công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đấu giá tại Quyết định số 2778/QĐ-UBND ngày 26/7/2023 với 45 điểm mỏ, đến nay đã tổ chức đấu giá thành công 44 điểm mỏ (trong đó có 2 mỏ đá, 3 mỏ đất sét, 9 mỏ cát, 30 mỏ đất), cụ thể đợt 1 vào tháng 12/2023 đã tổ chức đấu 21 mỏ và đợt 2 vào tháng 8/2024 đã tổ chức đấu 23 điểm mỏ. Việc đã tổ chức đấu giá thành công 44 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguyên vật liệu phục vụ thi công xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục quản lý đồng bộ
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định đánh giá, công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn được UBND tỉnh chỉ đạo rất sát sao, kịp thời. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đề xuất các biện pháp quản lý nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Chính quyền địa phương cơ sở đã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, phát hiện xử lý các sai phạm trong khai thác khoáng sản trái phép, hoạt động khai thác khoáng sản không đúng quy định được kiểm tra, xử lý chấn chỉnh kịp thời. Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được kiểm soát ngày càng chặt chẽ.
Năm 2025, Sở sẽ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác cấp phép hoạt động khoáng sản, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, quản lý các nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản. Các mỏ khai thác khoáng sản phải yêu cầu lắp camera giám sát, trạm cân… Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để xử lý, kể cả đề nghị thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tăng cường giám sát công tác phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, kết thúc khai thác doanh nghiệp phải đóng cửa mỏ theo quy định, trong đó có các mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng chấp hành pháp luật về khoáng sản, khắc phục trình trạng khai thác khoáng sản trái phép. UBND các huyện, thị xã, thành phố, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn theo thẩm quyền, nhất là bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường quản lý, khi phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn…