Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn: “Bài toán khó” cần lời giải
(TN&MT) - Xử lý rác thải nông thôn đã và đang trở thành vấn đề cấp bách và được đánh giá là “bài toán” khó chưa có lời giải tối ưu. Thời gian gần đây, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được chú trọng nhiều hơn. Tuy nhiên, quản lý môi trường nông thôn, đặc biệt là quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn còn những tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ khác nhau.
Thực trạng quản lý CTRSH tại nông thôn
Nông thôn nước ta đang có sự phát triển mạnh mẽ, đời sống của người dân nông thôn đang dần được nâng cao về mọi mặt. Kéo theo đó là vấn đề quản lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Vấn đề này đã trở nên nổi cộm khi lượng rác thải nông thôn phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại, đặc biệt là rác thải nhựa, ni lông dùng một lần.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023, mức phát sinh CTRSH nông thôn trên địa bàn cả nước năm 2023 là khoảng 29.734 tấn/ngày, tăng 1.340 tấn/ngày so với năm 2019 (theo Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2019).
Tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý đạt trung bình khoảng 77,69%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26 điểm % so với năm 2012). Phần lớn bãi chôn lấp tiếp nhận CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm dụng diện tích đất lớn, gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi, khí thải, nước rỉ rác, một số trường hợp gây ra sự cố phải xử lý phức tạp và tốn kém. Tỷ lệ CTRSH được xử lý có sự chênh lệch giữa các vùng (dao động từ 48,28% - 91,34%), phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng; trong đó, vùng có tỷ lệ CTRSH được xử lý cao nhất là Đông Nam Bộ (91,34%), kế tiếp là Đồng bằng sông Hồng (90,95%), thấp nhất là Tây Nguyên (48,28%).
CTRSH nông thôn phát sinh từ các nguồn: hộ gia đình, chợ, nhà kho, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính… trong đó, chất hữu cơ khó phân hủy, chất vô cơ (chủ yếu là các loại phế thải thủy tinh, sành sứ, kim loại, giấy, nhựa, đồ điện gia dụng hỏng...) và đặc biệt là túi ni lông xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, người dân nông thôn (đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa) vẫn giữ thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường làng, bờ sông, hồ, ao, tạo nên các bãi rác tự phát, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và cảnh quan ở khu vực nông thôn.
Hiện nay, tại các vùng nông thôn, CTRSH thông thường đã có sự phân loại tại nguồn, nhất là chất thải hữu cơ, một phần tận dụng làm thức ăn gia súc, gia cầm, phần còn lại được ủ vi sinh làm phân bón. Ở một số địa phương, nhất là tại các xã nông thôn mới, đã hình thành các mô hình thu gom, xử lý CTRSH nông thôn.
Việc phân loại CTRSH tại khu vực nông thôn chủ yếu được tiến hành tại hộ gia đình đối với một số loại chất thải như giấy, bìa các tông, kim loại (để bán), chất thải thực phẩm (sử dụng cho chăn nuôi) để đáp ứng chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Các thành phần khác hầu hết không được phân loại mà để lẫn, bao gồm các thành phần có khả năng phân hủy và khó phân hủy như túi ni lông, thủy tinh, cành cây, lá cây, hoa quả, xác động vật… Việc phân loại CTRSH khu vực nông thôn chưa đạt hiệu quả cao, mang tính riêng lẻ, không đồng bộ, chưa được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình không hợp tác thực hiện hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí.
Ngoài ra, việc thu gom, vận chuyển CTRSH khu vực nông thôn phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom tự quản đảm nhiệm; chi phí thu gom, vận chuyển được thỏa thuận với người dân với sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, mức thu và cách thu tùy thuộc vào từng địa phương. Tại nhiều khu vực nông thôn, do không thuận tiện về giao thông, dân cư không tập trung, nên hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH gặp nhiều khó khăn, còn tồn tại hiện tượng người dân tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức thủ công hoặc vứt bừa bãi ra sông suối, đổ thải tại khu vực đất trống mà không có sự quản lý của chính quyền địa phương.
Vẫn còn nhiều bất cập
Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác thu gom CTRSH tại khu vực nông thôn đang dần được coi trọng, tuy nhiên, công tác này vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Cụ thể, nhiều thôn, xã chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom CTRSH nông thôn. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom CTRSH nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác.
Theo thống kê, có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Dựa trên báo cáo công tác bảo vệ môi trường của các địa phương năm 2023, tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn cả nước đạt khoảng 77,69%. Tuy nhiên, một số khu vực có tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý còn thấp và cách xa mục tiêu đặt ra tại tiêu chí số 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 như trung du và miền núi phía Bắc (dưới 50%, với mục tiêu đến 2025 là 70%) hay Tây Nguyên (dưới 30%, với mục tiêu đến 2025 là 70%).
Đối với công tác xử lý CTRSH nông thôn, tỷ lệ CTRSH được chôn lấp trực tiếp còn cao; công nghệ xử lý CTRSH của nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều cơ sở xử lý chất thải có quy mô nhỏ, công suất xử lý thấp, khó chuyển đổi công nghệ hiện đại. Công suất xử lý CTRSH của các cơ sở hiện hữu không đáp ứng được khối lượng CTRSH phát sinh, trong khi việc đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng dự án còn thiếu nguồn lực tài chính, đất đai.
Trong những năm gần đây, một số địa phương đã đầu tư, lắp đặt các lò đốt chất thải rắn với công suất nhỏ, phục vụ việc xử lý CTRSH cho địa bàn cấp xã, huyện. Tuy nhiên, vấn đề về hiệu quả xử lý cũng như việc đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Các công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến, hiện đại có giá thành đầu tư, xử lý cao trong khi ngân sách của các địa phương dành cho xử lý CTRSH còn hạn chế. Do đó, dẫn đến việc triển khai các dự án, cơ sở xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại còn chậm. Việc quy hoạch, xác định vị trí, địa điểm xây dựng cơ sở xử lý chất thải thường gặp khó khăn do người dân phản đối; việc tổ chức triển khai quy hoạch tại các địa phương còn chậm, thiếu nguồn lực để thực hiện. Việc bố trí địa điểm tập kết, trung chuyển, lưu giữ CTRSH nông thôn nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu địa điểm, hạ tầng kỹ thuật thu gom, phân loại, tập kết, vận chuyển đảm bảo yêu cầu về mỹ quan, vệ sinh môi trường cũng như chuẩn bị cho công tác phân loại CTRSH tại nguồn.
Bên cạnh đó, các địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính; chậm triển khai thu hút đầu tư các cơ sở xử lý chất thải theo quy định về đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định về bảo vệ môi trường.