Điều chuyển đầu mối quản lý, tổ chức thực hiện quy định EPR
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký Quyết định số 78/QĐ-BTNMT điều chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (EPR).
Theo đó, điều chuyển toàn bộ chức năng, nhiệm vụ về quản lý, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tại Quyết định số 788/2023/QĐ-BTNMT từ Vụ Pháp chế sang Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế sẽ bàn giao hồ sơ, tài liệu, các nhiệm vụ đang triển khai thực hiện; tài chính, tài sản (nếu có) liên quan đến EPR sang Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường theo quy định, hoàn thành trước ngày 15/01/2025.
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường có trách nhiệm tiếp nhận bàn giao nhiệm vụ, khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Hội đồng EPR Quốc gia và Văn phòng giúp việc của Hội đồng sẽ được kiện toàn theo quy định.
Trước đó, quy định EPR đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Nghị định số 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
Theo những văn bản trên, nhà sản xuất, nhập khẩu 5 nhóm sản phẩm, bao bì, gồm: Thuốc bảo vệ thực vật; Pin sử dụng một lần; Tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; Kẹo cao su, thuốc lá; một số sản phẩm, hàng hóa có thành phần nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ… có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.
Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, hàng hóa gồm: Săm lốp; Pin và ắc quy; Dầu nhớt; Các sản phẩm có bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); Điện và điện tử; Phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.
Trong đó, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.