Hoàn thiện chính sách công nghiệp công nghệ số đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước
(TN&MT) - Theo chương trình Phiên họp thứ 41, ngày 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.
Đề cập một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy nhấn mạnh: Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phối hợp, nghiên cứu, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW; nghiêm túc thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị và các Công thư số 15, số 17 của Chủ tịch Quốc hội.
Không có xung đột, mâu thuẫn với các quy định hiện hành
Về nội hàm công nghệ số và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: Có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm công nghệ số theo hướng xác định bản chất thay vì liệt kê các công nghệ cụ thể. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thuật ngữ “công nghệ số” tại khoản 1 Điều 3 được chỉnh lý, quy định bản chất, làm rõ nội hàm, không liệt kê công nghệ cụ thể nhằm khái quát, bảo đảm tính ổn định của pháp luật.
Một số ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ phạm vi điều chỉnh; xác định rõ mối quan hệ giữa dự án Luật này với các luật khác có liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Giao dịch điện tử, Luật Dữ liệu. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hồ sơ dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đã có Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế liên quan đến dự án Luật. Trong đó, Báo cáo rà soát đề cập một số luật có liên quan chủ yếu như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Giao dịch điện tử, Luật Dữ liệu. Qua nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật không có xung đột, mâu thuẫn với các Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Giao dịch điện tử, Luật Dữ liệu, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Giao Chính phủ quy định phân loại, quản lý, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn
Đề cập về tài sản số (Điều 13 và Điều 14), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Có ý kiến cho rằng, tài sản số là vấn đề mới, thay đổi nhanh cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Ý kiến khác cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về các loại tài sản số trong dự thảo Luật. Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn có liên quan.
Qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng; hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, thống nhất quy định khung về vấn đề này (Điều 13 và Điều 14) như khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác; giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Có ý kiến đề nghị xem xét cần sửa Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán hay không khi quy định về tài sản số trong dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, các quy định về tài sản số trong dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, không chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành; không phải sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử và Luật Chứng khoán.
Về trí tuệ nhân tạo (Điều 54 và Điều 55): Có ý kiến đề nghị xác định rõ các tiêu chí hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, phạm vi tác động lớn, bổ sung quy định về hạn chế rủi ro và các nguyên tắc quản lý rủi ro; ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn về vấn đề quản lý rủi ro. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất quan điểm xây dựng quy định quản lý về trí tuệ nhân tạo trong dự thảo Luật dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro đồng thời khuyến khích phát triển, lấy con người làm trung tâm. Nguyên tắc quản lý này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định về: Quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, hệ thống tác động lớn; Sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng.
Về tiêu chí xác định hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao, phạm vi tác động lớn, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, theo Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của Liên minh Châu Âu, danh mục hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao được xác định trên cơ sở mức độ ảnh hưởng sức khỏe, sự an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung này (Điều 54), quy định những tiêu chí cơ bản và giao Chính phủ quy định cụ thể về phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý hệ thống trí nhân tạo có tác động, rủi ro cao, trách nhiệm, miễn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn việc dán nhãn các sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Về quy định dán nhãn đối với sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo (Điều 55), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, mục tiêu chính của quy định này là tạo ra dấu hiệu nhận biết (không phải là dán nhãn trên các sản phẩm thông thường) nhằm giúp người dùng nhận biết sản phẩm của hệ thống trí tuệ nhân tạo để có ứng xử phù hợp. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã: chỉnh lý khoản 1 Điều 55 quy định sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng và giao Bộ quản lý chuyên ngành quy định về dấu hiệu nhận dạng; bổ sung điểm d khoản 2 Điều 56 quy định trách nhiệm của nhà cung cấp phải thể hiện rõ ràng dấu hiệu nhận dạng trên sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo; lược bỏ quy định tại khoản 2 Điều 55 liên quan đến quy trình, thủ tục dán nhãn để bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, phù hợp với pháp luật của nhiều quốc gia.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của ĐBQH, thể hiện lại văn phong, sắp xếp bố cục dự thảo Luật cho khoa học và hợp lý hơn.
Bảo đảm tính khả thi, kiểm soát rủi ro và phát triển các lĩnh vực phù hợp với điều kiện của Việt Nam
Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các nội dung được đề cập trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để đảm bảo ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp và tại Thông báo Kết luận số 4388 ngày 14/10/2024 được tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ, thuyết phục; tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng. Đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, đồng thời đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, đảm bảo chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội thể hiện tính chất đột phá trong lĩnh vực công nghệ số.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiếp tục rà soát để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo việc thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Quốc hội trong công tác xây dựng Luật; thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết số 27 và Quy định 178. Lưu ý một số vấn đề cụ thể về tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến chính sách đầu tư, hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước để không vi phạm các cam kết quốc tế có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện các khái niệm giải thích từ ngữ để giải thích đầy đủ, đảm bảo tốt nhất, rõ nghĩa, phù hợp với pháp luật trong nước và quốc tế. Chú ý phân biệt những khái niệm công nghệ thông tin và công nghệ số. Tiếp thu, hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, quy định tài sản số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, quy định về công nghiệp bán dẫn, quy định về trí tuệ nhân tạo để đảm bảo tính khả thi, kiểm soát rủi ro và phát triển các lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo đúng chủ trương của Đảng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan cần tiếp tục rà soát các quy định áp dụng pháp luật, điều khoản thi hành, quy định chuyển tiếp để đảm bảo khả thi, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, không vướng mắc khi áp dụng. Rà soát kỹ lưỡng, thống nhất với các Bộ, ngành có liên quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đối với các quy định sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Thuế, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Công nghệ thông tin.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, vấn đề ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn, việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, trí tuệ nhân tạo; đồng thời nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chuẩn bị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 8 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Các tài liệu, báo cáo trình Thường vụ cần được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng và cập nhật các nội dung để kịp đảm bảo tính kịp thời. Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tham gia nhiều ý kiến cụ thể vào các điều khoản trong luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến này và đề nghị cơ quan soạn thảo chuẩn bị các nghị định có liên quan. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu liên quan thực hiện các bước công việc theo quy định hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định và đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình vào dự thảo Luật.