Biển đảo

Quảng Nam: Đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông về biển và đại dương

Trường An 03/01/2025 - 10:25

Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam vừa có Báo cáo số 763/BC-STNMT gửi Bộ TN&MT về kết quả thực hiện Kế hoạch truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm 2024, tỉnh đã đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông về biển và đại dương.

Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01/06 - 08/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2024; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Ngày Đa dạng sinh học, Ngày Nước thế giới,… theo hướng dẫn của Bộ TN&MT bằng nhiều hình thức như: tổ chức quán triệt, tuyên truyền các chủ đề, thông điệp hưởng ứng và văn bản có liên quan trên Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành và địa phương, hệ thống truyền thanh của các xã, phường, thị trấn và xe lưu động; treo băng rôn tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, đường phố chính và những nơi công cộng; tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ; trồng và chăm sóc cây xanh khu vực cơ quan, trường học, các khu vực công cộng.

Bên cạnh đó, luôn đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thông tin về biển và hải đảo, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gắn với công tác bảo vệ môi trường qua nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức các lớp tập huấn, các buổi mitting tuyên truyền về Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản liên quan khác, qua đó, tạo điều kiện khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình quản lý, bảo vệ biển và hải đảo.

Trong khuôn khổ Năm Phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia – Quảng Nam 2024; các cơ quan, địa phương, đơn vị của tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động như: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được lồng ghép trong tổ chức thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại hoạt động khai thác thủy sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí; giảm thiểu, chuyển đổi và tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, khuyến cáo sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Phát động hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; thả bổ sung loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài thủy sản bản địa; loài thủy sản đặc hữu vào vùng nước tự nhiên tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Đồng thời, tổ chức các Hội nghị, Hội thảo “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”; tổ chức 21 lớp tập huấn, họp tham vấn, đối thoại với cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ven biển tỉnh Quảng Nam; In ấn và cấp phát 5.000 tờ rơi, gần 7.000 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản đúng quy định theo Luật Thủy sản 2017; một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Đặc biệt, phát động nhiều chiến dịch, mô hình, câu lạc bộ bảo vệ môi trường, thu gom rác thải đại dương, mô hình sinh kế về du lịch cộng đồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: chiến dịch “Đổi rác lấy nhiên liệu”; Chiến dịch “Thứ bảy xanh” – Đối rác thải tái chế lấy sản phẩm từ cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF); mô hình “Ngôi nhà đại dương”; Mô hình du lịch học tập cộng đồng làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim; Mô hình du lịch cộng đồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Gò Hý, xã Cẩm Thanh; “Giảm nhựa trong du lịch”; CLB “Em yêu đảo xanh quê xem”; “Một ngày làm nhân viên môi trường”…

Tổ chức hoạt động giám sát rác thải, dọn vệ sinh, bắt sao biển gai trên các bãi biển, vùng rạn san hô tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; Hoạt động “Tuyên dương hộ gia đình thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn” với 40 hộ gia đình đã được tuyên dương nhằm khuyến khích và lan tỏa thực hành phân loại rác tại nguồn.

Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện chương trình liên tịch giữa ngành TN&MT với tổ chức Hội, đoàn thể thuộc tỉnh; phối hợp với Khoa Môi trường - Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế tổ chức 1 lớp Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”. Đồng thời, tổ chức 3 khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ tuyên truyền viên nồng cốt cấp huyện, cấp xã về công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn. –

Các trường Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện giảng dạy môn học Giáo dục Quốc phòng - An ninh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp cho học sinh, sinh viên; trong đó có nội dung Bài “Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia” gồm các nội dung: Quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; một số giải pháp cơ bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và biên giới quốc gia; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, biên giới quốc gia.

Ngoài ra, triển khai 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập Khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải, huyện Núi Thành; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ giám sát, cảnh báo nguồn nước đảm bảo an toàn cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển tỉnh Quảng Nam.

Trường An