Môi trường

Tái thả 12 cá thể Tê tê Java về tự nhiên

Minh Hạnh 02/01/2025 - 15:46

Ngày 2/1, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) phối hợp với Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương tái thả thành công 12 cá thể Tê tê Java (tên khoa học: Manis Javanica) về tự nhiên.

Tất cả tê tê được tái thả lần này đều là những cá thể được SVW và VQG Cúc Phương cứu hộ từ các vụ vận chuyển, săn bắt và buôn bán trái phép trong tháng 10 và tháng 11/2024, trong đó có 1 cá thể được sinh ra tại Trung tâm cứu hộ SVW và được đội ngũ của chúng tôi nuôi bộ từ bé cho đến khi thả.

Sau khi giải cứu và đưa động vật về Trung tâm cứu hộ SVW, đội ngũ Chăm sóc động vật và nhóm Thú y đã theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của từng động vật để đánh giá tốc độ phục hồi của chúng, từ đó lên kế hoạch cho các giai đoạn rèn luyện kĩ năng sinh tồn trong tự nhiên, nhằm chuẩn bị tốt nhất để chúng có thể tự kiếm ăn và phòng vệ trong môi trường hoang dã.

doan-tai-tha-di-chuyen-dia-diem-tha-te-te.jpg
cong-tac-tai-tha-te-te-da-san-sang.jpg
Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ tái thả tê tê Java.

Bên cạnh đó, hệ thống đèn sưởi cũng được bổ sung cho các cá thể nhằm đảm bảo động vật không bị nhiễm lạnh trong tiết trời mùa đông tại rừng quốc gia. Sau hơn 2 tháng phục hồi, toàn bộ cá thể đều được đánh giá là đã đáp ứng đủ điều kiện tái thả, sẵn sàng trở về với ngôi nhà tự nhiên của chúng.

Trước đợt tái thả, nhóm Nghiên cứu bảo tồn SVW đã thực hiện 3 khảo sát đa dạng sinh học để tìm ra địa điểm tái thả phù hợp cho tê tê. Các tiêu chí đánh giá dựa trên các yếu tố: (1) Địa điểm tái thả có có những đặc điểm sinh thái phù hợp với tập tính của loài tê tê Java; (2) Môi trường đó nguồn thức ăn dồi dào dành cho tê tê. Việc lựa chọn địa điểm tái thả cực kỳ quan trọng bởi việc thả động vật hoang dã tại đúng môi trường không chỉ giúp cho quần thể loài ngoài tự nhiên phát triển mạnh mẽ, mà còn góp phần bảo vệ đa dạng sinh học tại khu vực đó.

hinh-anh-te-te-tu-do-buoc-vao-khu-rung-hoang-da-2-.jpg
Tê tê được thả ngoài tự nhiên

Trước đó, ngày 18/11, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW), phối hợp với Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương cứu hộ thành công 11 cá thể tê tê Java.

Hoạt động cứu hộ được thực hiện trong nỗ lực ngăn chặn 1 vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Tổ công tác Công an thành phố Phủ Lý đã lập biên bản và đang điều tra làm rõ.

Ngay khi nhận được thông tin, đội phản ứng nhanh của SVW đã phối hợp cùng VQG Cúc Phương di chuyển ngay đến địa điểm tiếp nhận động vật. Tuy nhiên, đáng buồn thay, trong số 13 cá thể được phát hiện, chỉ có 11 cá thể tê tê còn sống. 02 cá thể còn lại đã không qua khỏi, trong đó có 01 tê tê Java và 01 tê tê vàng duy nhất.

Hầu hết các cá thể động vật được tiếp nhận trong tình trạng căng thẳng, mất nước, gầy ốm, tiêu chảy và đặc biệt có hai cá thể bị thương nặng do những chiếc bẫy. Hiện tại, toàn bộ động vật còn sống đã được đưa về Chương trình bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê tại VQG Cúc Phương để đội ngũ cán bộ tiếp tục theo dõi, chăm sóc sức khỏe.

Hiện nay, các hành vi săn bắt, buôn bán trái phép vẫn diễn ra vô cùng phức tạp. Để có thể ngăn chặn được nạn săn bắt động vật hoang dã, bảo vệ sự đa dạng sinh học của Việt Nam cần sự nỗ lực và chung tay phối hợp của các cơ quan chức năng, các đơn vị bảo tồn cũng như cần có một khái niệm, định nghĩa cụ thể và các chế tài xử phạt đi kèm để xử lý những vụ việc liên quan đến hoạt động “sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã” trái phép.

Tê tê Java (Manis Javanica) được xếp vào danh sách Cực kỳ Nguy cấp theo Sách đỏ IUCN; thuộc nhóm IB, được quy định trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Các hành vi buôn bán trái phép tê tê đều sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Trong đó, tê tê Java thuộc Phụ lục I của Công ước quốc tế CITES, cấm buôn bán xuyên quốc gia và khai thác từ tự nhiên. Tuy vậy, hiện nay, các hành vi săn bắt, buôn bán trái phép vẫn diễn ra vô cùng phức tạp.

Minh Hạnh