Biến đổi khí hậu

Thanh Hóa: Nỗ lực của ngành Nông nghiệp trong ứng phó biến đổi khí hậu

Thu Thủy 01/01/2025 11:23

Trong năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hoá luôn chú trọng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Bảo vệ rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu

Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa luôn chủ động đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với bảo tồn ĐDSH, giá trị cung ứng dịch vụ môi trường rừng, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các hoạt động giáo dục pháp luật đến với người dân về bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân, vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết, thực hiện các quy ước bảo vệ rừng.

1(2).jpg
Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng

Thực hiện Quyết định số 4485/QĐ-UBND ngày 12/11/2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chuyển kinh phí chưa sử dụng năm 2023 sang năm 2024 sử dụng và phê duyệt kế hoạch tài chính năm 2024 từ nguồn thu Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) tỉnh Thanh Hóa. BQL Quỹ bảo vệ, phát triển rừng & Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng kế hoạch triển khai chi trả cho các chủ rừng theo đúng Quyết định phê duyệt.

Trong năm 2024, việc chi trả nguồn tiền ERPA cho các chủ rừng gồm hai loại; Một là, nguồn kinh phí chưa sử dụng năm 2023 chuyển sang năm 2024 sử dụng, với tổng số tiền là: 831.066.441 đồng, trong đó: Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư các thôn/bản: 335.682.884 đồng. Chủ rừng tổ chức: 96.454.890 đồng. Chủ rừng là UBND xã, Thị trấn đang tạm giao quản lý diện tích rừng tự nhiên: 398.928.668 nghìn đồng; Hai là, nguồn kinh phí ERPA năm 2024, với tổng số tiền là: 57.805.219.900 đồng, trong đó: Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư các thôn/bản: 29.248.952.310 đồng. Chủ rừng tổ chức: 27.163.498.259 đồng. Chủ rừng là UBND xã, Thị trấn đang tạm giao quản lý diện tích rừng tự nhiên: 1.392.769.331 đồng.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, tránh thiên tai; tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của UBND tỉnh là căn cứ quan trọng để ngành kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.

2(2).jpg
Ngành Nông nghiệp và PTNT có nhiều khởi sắc và đạt kết quả tích cực

Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững

Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa trong năm 2024 đã triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện cơ bản thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, thiên tai đã xảy ra gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; gây sạt lở, hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, nhà ở tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Thanh Hóa mà ngành Nông nghiệp và PTNT có nhiều khởi sắc và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Ước kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, như: Tốc độ tặng trưởng (VA) đạt 4,17% (vượt 1,17% KH); Sản lượng lương thực đạt 1,56 triệu tấn; Diện tích, tích tụ tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đạt 6.569 ha (vượt 6,2% KH); Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,86% (vượt 0,06% KH); Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh là 98% (đạt 100% KH), trong đó tỷ lê hô gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế đạt 64% (đạt 100% KH). Có thêm 2 đơn vị cấp huyện (vượt 01 huyện so với KH); 17 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100% KH); 2 huyện, 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt 14 xã so với KH); 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (vượt 01 xã so với KH).

3.jpg
Ứng phó biến đổi khí hậu nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa: Để phát huy kết quả đạt được, năm 2025 ngành Nông nghiệp và PTNT đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu, gồm: Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3% trở lên; Sản lượng lương thực giữ mức 1,5 triệu tấn; Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 4.340 ha; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54%; Xây dựng nông thôn mới: 2 huyện, 21 xã, 84 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện, 49 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã, 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 160 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm OCOP được xếp hạng 5 sao. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%; trong đó, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN đạt 65%.

Thu Thủy