Trong nước

10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2024

Khương Trung 31/12/2024 - 17:24

(TN&MT) - Theo thông lệ, vào dịp cuối năm, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức công bố 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu trong năm của Quốc hội nhằm tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Quốc hội Việt Nam tới cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2024

Thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí lớn, có uy tín và các chuyên gia tổ chức bình chọn 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2024.

1. Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật theo yêu cầu phát triển mới

211020241011-tbt-to-lam-s-1729484901843-1729484902144771713493.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, khơi thông nguồn lực để phát triển

Năm 2024, công tác lập pháp đạt được kết quả rất quan trọng, đặc biệt ghi nhận sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nhằm vừa bảo đảm quản lý nhà nước có hiệu quả, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm thủ tục hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong các quy định pháp luật. Do đó, các luật ban hành ngắn gọn, thực chất, quy định đúng và đủ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, bảo đảm tính ổn định, giá trị lâu dài. Số lượng luật, nghị quyết được thông qua trong năm 2024 nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay với 31 luật, 42 nghị quyết (chiếm gần 50% tổng số nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành từ đầu nhiệm kỳ đến nay), trong đó có 08 nghị quyết quy phạm pháp luật, được đa số đại biểu Quốc hội tán thành rất cao.

Riêng Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật, gần bằng 1/3 tổng số luật được thông qua từ đầu nhiệm kỳ. Trong đó, kỹ thuật lập pháp "dùng một luật sửa nhiều luật"', thông qua theo quy trình 01 kỳ họp được áp dụng khi ban hành 01 luật sửa 04 luật trong lĩnh vực đầu tư và 01 luật sửa 09 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn; góp phần khắc phục "điểm nghẽn" thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước bảo đảm thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

2. Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2024; quyết định Luật Đất đai cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng

ctqh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Quốc hội

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thông qua Luật Đất đai số 31/2024/QH15, hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Tuy nhiên, nhằm tháo gỡ vướng mắc, kịp thời đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và ý kiến đồng thuận cao của các địa phương, các cơ quan hữu quan, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật số 43/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong đó Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, sớm hơn 05 tháng, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, thị trường bất động sản và nhà ở phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng, ổn định xã hội, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của Nhân dân, doanh nghiệp và các đối tác nước ngoài.

3. Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 02 dự án lớn, có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển bền vững của đất nước là đường sắt tốc độ cao trục Bắc- Nam và khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

img5482-16980319744321494005205.jpg
Đường sắt tốc độ cao trục Bắc- Nam và khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là 02 dự án lớn, có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển bền vững của đất nước

Thực hiện chủ trương của Đảng, căn cứ đề xuất của Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghiêm túc thảo luận, đi đến thống nhất cao để quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc- Nam và tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là quyết định lịch sử, vào thời điểm đã chín muồi đối với 02 dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, với tổng mức đầu tư rất lớn và hội tụ hàm lượng khoa học, công nghệ cao, tác động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Việc Quốc hội đồng ý tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm dừng triển khai có ý nghĩa quan trọng và mang tính thời đại nhằm phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, tăng cường phát triển nhân lực chất lượng cao và tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam được triển khai theo hình thức đầu tư công, là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới, hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước nhằm mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai.

4. Quốc hội thông qua 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy và phát triến văn hóa

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phòng, chống ma túy (PCMT) đến năm 2030 và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (tại Kỳ họp thứ 8) có ý nghĩa rất quan trọng. Các Nghị quyết đã xác định rõ các chỉ tiêu cụ thể, sát thực tiễn, có tính khả thi cao, đặt ra các nguyên tắc phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm tác động mạnh mẽ tới hiệu quả phát triển bền vững về con người, bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh và đa dạng về tinh thần cho Nhân dân.

Theo đó, Chương trình MTQG về PCMT sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm giảm tác hại của ma túy trên 3 lĩnh vực cung, cầu và tác hại; Chương trình MTQG về phát triển văn hóa góp phần quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam, từng bước thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

5. Quốc hội quyết định "thông cấp" khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế đối với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo trình tự rút gọn tại 01 kỳ họp nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thông pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan; đồng thời, góp phần bảo đảm tốt hơn nữa dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Nhân dân. Đặc biệt, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với chính sách bảo hiểm y tế của Đảng, Nhà nước, đưa Thẻ bảo hiểm y tế trở thành "biểu tượng" cho sự nhân văn và bình đẳng xã hội.

Theo đó, Luật đã quy định về việc cho phép người có Thẻ bảo hiểm y tế mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu (các bệnh viện lớn, đầu ngành) mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành; đồng thời vẫn được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định mà không cần phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh.

6. Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiến độ

10-sk_2.jpeg
Chủ tịch nước Lương Cường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV

Sau 20 năm kể từ khi Quốc hội khóa XI (Kỳ họp thứ 4) thông qua Nghị quyết số 22/2023/QH11 về việc thành lập thành phố Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương, ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XV đã thông qua Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương. Đây là quyết định có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của nước ta; qua đó, giúp thành phố Huế tạo sự chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế, tạo động lực phát triển mới cho địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn, phát huy giá trị đô thị di sản và bản sắc văn hóa Huế, đưa Huế trở thành trung tâm của vùng và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, trên cơ sở Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 51 tỉnh, thành phố có đơn vị thuộc diện phải sắp xếp (với 38 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.166 đơn vị hành chính cấp xã), năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của các địa phương này (giảm được 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 563 đơn vị hành chính cấp xã) theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã và Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương trong cả nước sớm ổn định tổ chức bộ máy, tiến hành thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đồng thời, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

7. Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia lần đầu tiên tại Việt Nam

10-sk_.jpeg
Đoàn ĐBQH Yên Bái tham gia biểu quyết các chương trình, Nghị quyết của Quốc hội

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Quy hoạch cấp quốc gia mang tính tổng hợp, đa ngành, chuyên môn cao và rất phức tạp, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam; là công cụ quan trọng để cụ thể hóa "Quy hoạch tổng thể quốc gia" và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển hiệu quả; qua đó, góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thành công hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các Bộ, ngành đối với 06 nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 thuộc 09 lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Đây được coi là hoạt động "giám sát lại" đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cho thấy, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã ghi dấu ấn quan trọng với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đây là Nghị quyết có tính thời sự cao, phạm vi rộng, bám sát thực tiễn của cuộc sống. Mặc dù thời gian giám sát rất dài nhưng Đoàn giám sát đã triển khai thực hiện rất công phu, khoa học, xác định rõ những hạn chế, bất cập và đề ra phương hướng, giải pháp toàn diện, cụ thể.

10-sk_7.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV

9. Bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội

Ngay sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và ban hành Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 13/11/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 1297/NQ-UBTVQH15 ngày 18/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; đồng thời, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng và ban hành Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia. Sắp xếp, kiện toàn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; coi đây là một trong những yếu tố “then chốt của then chốt” để đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ đã hoàn thành nghiên cứu, rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội nói riêng và hệ thống chính trị nói chung, chủ động đề xuất trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất khi được Trung ương thống nhất thông qua.

10. Quốc hội Việt Nam tiếp tục thúc đẩy, tăng cường hợp tác Nghị viện trên bình diện song phương và đa phương, góp phần hiện thực hóa đường lối đối ngoại của Đảng

Công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2024 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động đối ngoại song phương giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất, với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng tại các diễn đàn liên nghị viện thế giới và khu vực, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2024, Quốc hội đã đón tiếp 39 Đoàn Nghị viện các nước thăm Việt Nam, trong đó có 10 Đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 08 Đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội; tổ chức 45 Đoàn ra của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm cấp Nhà nước do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu tới Trung Quốc, Liên bang Nga, tham dự Đại hội đồng AIPA-45 và thăm chính thức Lào, thăm chính thức Campuchia, Singapore, Nhật Bản. Các thỏa thuận hợp tác quốc tế được ký kết giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước đã góp phần thúc đẩy ngoại giao nghị viện và hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước./.

Khương Trung