Doanh nghiệp - doanh nhân

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn SUNHOUSE:Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn

Quyết Thắng 30/12/2024 - 23:15

(TN&MT) – Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới là định hướng hết sức quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn và được coi như kim chỉ nam để đội ngũ doanh nhân vững bước, chung sức xây dựng đất nước. Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn SUNHOUSE đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo TN&MT về nội dung này.

Yếu tố để trở thành “doanh nghiệp dân tộc”

PV: Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị có rất nhiều đổi mới về nội dung và cũng gửi gắm rất nhiều kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, trong đó đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc. Theo ông, để trở thành “doanh nghiệp dân tộc” đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải hội tụ các yếu tố gì?

Ông Nguyễn Xuân Phú: Để trở thành "doanh nghiệp dân tộc", các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng những yếu tố cốt lõi và có giá trị dài hạn. Điều này nghĩa là một doanh nghiệp dân tộc sẽ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng kinh tế mà còn cần trở thành biểu tượng văn hóa và chính trị, đại diện cho khát vọng xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, bền vững và hội nhập toàn cầu

Một doanh nghiệp dân tộc sẽ cần có tầm nhìn chiến lược rõ ràng để phát triển. Không chỉ dừng lại ở việc phục vụ tốt nhu cầu trong nước mà còn cần vươn tầm quốc tế, trở thành những đầu tàu dẫn dắt các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng yếu trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp Việt cần cùng nhau hợp tác, xây dựng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Bằng việc tạo dựng được một hệ sinh thái liên kết bền vững, hợp tác với các nhà cung cấp trong nước, các doanh nghiệp Việt sẽ giảm thiểu được việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

1.png
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn SUNHOUSE.

Bên cạnh mục tiêu hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp Việt cũng cần lấy đạo đức và văn hóa kinh doanh làm nền tảng, vừa giữ gìn và đại diện cho bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới để khẳng định vị thế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đổi mới sáng tạo là yếu tố thiết yếu, với trọng tâm là chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), hay vật liệu mới để cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Để làm được điều này, việc hội nhập quốc tế về nghiên cứu & phát triển (R&D) là để doanh nghiệp duy trì sức mạnh nội tại và sẵn sàng đối mặt với thách thức khi hội nhập toàn cầu.

Thêm vào đó, một doanh nghiệp dân tộc cũng cần áp dụng mô hình kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải công nghiệp, nỗ lực áp dụng quy trình tái chế, và có các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội địa phương, qua đó không chỉ phát triển kinh tế mà còn đóng góp tích cực cho xã hội. Như vậy, doanh nghiệp dân tộc sẽ không chỉ là biểu tượng kinh tế mà còn là nhân tố thúc đẩy niềm tự hào và sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn SUNHOUSE.

Ứng dụng công nghệ xanh và giảm thiểu rác thải

PV: Để vươn ra biển lớn trong kỷ nguyên mới đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn đột phá trong tư duy, đặc biệt là tư duy “doanh nghiệp dân tộc”. Điều nay đã thể hiện ở doanh nghiệp của ông thế nào? Và trong quá trình xây dựng ông có gặp khó khăn gì không và cách khắc phục ra sao?

Ông Nguyễn Xuân Phú: Ngay từ đầu, sứ mệnh của SUNHOUSE đã được xác định trở thành một "doanh nghiệp dân tộc". Không chỉ là một doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng, SUNHOUSE là đại diện cho khát vọng tự cường và đổi mới của con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp quốc gia chiếm thị phần số 1 trong lĩnh vực gia dụng tại thị trường Việt Nam và đang tiến xa hơn để trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu khu vực và trên thế giới, góp phần khẳng định vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đến nay, thị trường và đối thủ mục tiêu của chúng tôi không còn là tại thị trường Việt mà là các tập đoàn đa quốc gia, quy mô toàn cầu. Đến năm 2025, tỷ trọng xuất khẩu của Sunhouse đã đạt đến 40% tỷ trọng doanh thu tập đoàn, tăng trưởng kép mỗi năm. Điều này có được nhờ việc nắm vững chuỗi giá trị sản xuất, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), hệ thống kiểm soát chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại và thân thiện với môi trường. Năm 2025 sẽ là điểm mốc để chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô thị trường quốc tế, mở rộng gấp 2 quy mô nhà máy hiện nay để tiếp tục đạt chuẩn quốc tế (hiện có 10 nhà máy – 10.000m)

Trong mọi hoạt động, SUNHOUSE luôn nỗ lực giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Các sản phẩm chất lượng cao không chỉ đơn thuần mang đến sức khỏe và tiện nghi mà còn là cầu nối để khách hàng trong nước và quốc tế hiểu hơn về bản sắc văn hóa, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, với tinh thần phát triển bền vững, SUNHOUSE mỗi năm đều tích cực với các hoạt động trách nhiệm xã hội, hỗ trợ kinh tế địa phương, đồng thời nỗ lực ứng dụng công nghệ xanh và giảm thiểu rác thải trong sản xuất, thể hiện cam kết với môi trường và xã hội.

2.png
Sứ mệnh của SUNHOUSE đã được xác định trở thành một "doanh nghiệp dân tộc".

Tuy nhiên, hành trình vươn ra biển lớn của SUNHOUSE không tránh khỏi những thách thức. Sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế đã tạo ra nguồn độc lực để chúng tôi tiên phong trở thành thương hiệu Quốc gia Việt nam chuẩn quốc tế. Để vượt qua những trở ngại đó, SUNHOUSE đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, hợp tác chuyển giao công nghệ với đối tác quốc tế để cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Việt tại các hội chợ quốc tế, chứng minh rằng sản phẩm Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong nước, khẳng định rằng lựa chọn sản phẩm Việt không chỉ mang lại giá trị cho bản thân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Với tất cả những nỗ lực này, chúng tôi tin rằng SUNHOUSE sẽ không chỉ dừng lại ở một doanh nghiệp có thị phần đứng đầu trong ngành gia dụng tại Việt Nam, mà sẽ là đại diện đầy tự hào cho khát vọng của người Việt trên trường quốc tế. Dù khó khăn vẫn còn đó, tinh thần tự cường và đổi mới sáng tạo sẽ giúp chúng tôi tiếp tục tiến xa, thực hiện sứ mệnh lan tỏa giá trị Việt Nam ra thế giới và góp phần xây dựng một tương lai thịnh vượng cho đất nước.

Cần chính sách đồng bộ, đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc

PV: Theo ông, Đảng và Nhà nước cần xây dựng những cơ chế, chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc vươn tầm quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản… đã làm thành công?

Ông Nguyễn Xuân Phú: Để phát triển doanh nghiệp dân tộc vươn tầm quốc tế, trở thành những tập đoàn lớn mạnh và có vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần một hệ thống cơ chế và chính sách đồng bộ, đột phá nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp phát triển. Những chính sách này phải bao phủ từ xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đến hỗ trợ tài chính và phát triển bền vững. Tất cả sẽ là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Đầu tiên và tiên quyết, cần có chương trình phát triển thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, với sự hỗ trợ từ các chương trình kết nối doanh nghiệp với chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực marketing và xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam cần được định vị rõ ràng trên bản đồ thương mại toàn cầu, với những chiến lược thương hiệu gắn liền với giá trị văn hóa và chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quốc tế thông qua mạng lưới ngoại giao.

3(1).jpg
Cần một hệ thống cơ chế và chính sách đồng bộ, đột phá nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp phát triển.

Thứ hai là, cần có chính sách ưu tiên tiêu dùng nội địa, thúc đẩy lòng tự hào dân tộc và ưu tiên sử dụng sản phẩm "Made in Vietnam" trong các dự án công, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba là, Chính phủ cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp dẫn đầu ngành đóng vai trò dẫn dắt, liên kết với các nhà cung cấp trong nước nhằm hình thành chuỗi cung ứng đồng bộ, từ đó giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Thứ tư là, cần đẩy mạnh các dự án chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, vật liệu mới và trí tuệ nhân tạo. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam làm chủ các công nghệ tiên tiến, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thứ năm là, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế công nghiệp, quản trị sản xuất thông minh, và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác quốc tế và thành lập trung tâm đào tạo tại địa phương sẽ giúp phổ cập kiến thức công nghệ rộng khắp và xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao.

Thứ sáu là, các chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cần được triển khai mạnh mẽ để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cuối cùng, cần có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung vào tái chế và giảm thiểu rác thải công nghiệp, sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và gia tăng cơ hội xuất khẩu.

Nếu tập trung triển khai đồng bộ, doanh nghiệp dân tộc Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên mạnh mẽ, trở thành lực lượng nòng cốt, đưa nền kinh tế Việt Nam lên một vị thế mới trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Quyết Thắng