Biến đổi khí hậu

Nông nghiệp Sơn La thích ứng BĐKH

Nguyễn Nga 30/12/2024 - 18:01

(TN&MT) – Với trên 1 triệu ha đất nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp Sơn La đã chủ động triển khai các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra nhiều đợt nắng nóng găy gắt, có nơi nhiệt độ tăng cao nhất trong vài chục năm trở lại đây đã làm suy giảm nước đầu nguồn, ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

ca-phe-nong-o-2.jpg
Từ năm 2021 đến nay, Sơn La đã xây dựng 51 mô hình về canh tác lúa, cà phê, khoai sọ thích ứng BĐKH.

Năm 2024, theo báo cáo từ Sở NN&PTNT tỉnh, thiên tai làm thiệt hại gần 3.440 ha lúa; trên 1.100 ha rau màu, hoa màu; trên 3.600 ha cây trồng hàng năm, lâu năm; trên 4.500 ha cây ăn quả.

Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp để thích ứng, xây dựng, nhân rộng các mô hình canh tác thông minh theo phương pháp bền vững. Trong đó, từ năm 2021 đến nay, đã phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) triển khai dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc” tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, hết giai đoạn 1 Dự án đã tổ chức 67 lớp tập huấn hiện trường cho trên 2.000 lượt người dân; xây dựng 51 mô hình về canh tác lúa, cà phê, khoai sọ tại 4 xã Nậm Lầu, Chiềng Pha, Muổi Nọi, Bon Phặng, huyện Thuận Châu.

Tham gia Dự án, các hộ dân đã thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, trong canh tác lúa giảm được 60-80% lượng giống; giảm 10-20% lượng phân bón hóa học; giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với canh tác truyền thống; biết cách bón phân vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây và tác dụng của từng loại phân bón đối với cây trồng.

khoai-so-1-.jpg
Mô hình trình diễn khoai sọ thích ứng BĐKH trên địa bàn xã Nậm Lầu, Chiềng Pha, huyện Thuận Châu.

Đồng thời, nhận biết các loại sinh vật hại lúa, cà phê, khoai sọ và cách phòng trừ; chủ động canh tác, thích ứng với biến đổi khí hậu, như hạn hán, mưa lũ. Tận dụng nguồn rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất, giảm bớt khí phát thải vào môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao thu nhập.

Chị Lò Thị Triệu, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng, chăm sóc cây cà phê rất đơn giản, đại trà. Sau khi được cán bộ hướng dẫn về quy trình chăm sóc, cách tỉa cây, tỉa cành, cách bón phân, tôi thấy cây cà phê phát triển hơn, quả to, đều hơn, ít các bệnh vẩy nâu, vẩy xanh… Năng suất tăng nên giá bán ra thị trường cũng cao hơn trước nhiều, tôi sẽ tiếp tục áp dụng theo mô hình, cũng như tăng cường tuyên truyền đến người thân, bạn bè xung quanh.

Từ tháng 8/2024 đến tháng 12/2026, giai đoạn 2 Dự án tiếp tục được triển khai địa bàn 5 xã: Muổi Nọi, Bon Phặng, Nậm Lầu, Chiềng Pha, Phổng Lập, huyện Thuận Châu, với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng trong khu vực triển khai dự án giảm nghèo, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

z6180534639170_cee4f052420c6949099d214e316ee0df.jpg
Khảo sát thực trạng hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của các gia đình tại xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu.

Đến nay, Dự án đã tổ chức 5 chuyến tham quan các mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại huyện Mai Sơn và Yên Châu; tập huấn kiến thức chung về kinh tế, nông nghiệp tuần hoàn; kỹ thuật làm men vi sinh gốc để chủ động xử lý rác thải hữu cơ trong sinh hoạt và các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt; tập huấn về đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; thành lập các tổ hợp tác sản xuất và khảo sát thực trạng hoạt động trồng trọt, chăn nuôi tại các gia đình đăng ký tham gia tổ hợp tác thuộc 5 xã vùng dự án.

Tham gia chương trình giai đoạn 2, có khoảng 28.500 người dân từ các xã của dự án và các vùng lân cận được hưởng lợi. Sau các chuyến tham quan, các lớp tập huấn về kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, có hơn 200 hộ gia đình tại 5 xã trong vùng dự án được hỗ trợ xi măng xây bể ủ phân chuồng hữu cơ; 100 hộ tự làm men vi sinh gốc, phục vụ quá trình xử lý phân thải, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt và các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Là địa phương hưởng lợi từ Dự án giai đoạn 2, ông Lường Văn Sâm, Quyền Chủ tịch UBND xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục vận động người dân áp dụng các kiến thức được tập huấn từ dự án, tiến tới thay đổi tập quán canh tác, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học trong sản xuất, chủ động điều chỉnh mùa vụ sản xuất cho phù hợp. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, các mô hình trồng cây trái vụ đến nông dân…

Nguyễn Nga