Môi trường

Hải Dương: Phấn đấu 100% hộ dân phân loại rác tại nguồn

Kiên Cường 30/12/2024 - 13:20

(TN&MT) - Việc phân loại rác thải tại nguồn tại Hải Dương đạt được nhiều hiệu quả, giảm được lượng rác thải chôn lấp, rác thải xử lý tại các nhà máy. Không những vây, phân loại rác tại nguồn tạo lượng phân hữu cơ phục vụ sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 606 bãi chôn lấp với tổng khối lượng chất thải đã chôn lấp khoảng 2,6 triệu tấn. Có 384 bãi chôn lấp đang hoạt động, 222 bãi đã dừng hoạt động. Đối với các bãi chôn lấp đang hoạt động hiện có 78 bãi tỷ lệ lấp đầy dưới 50%, 177 bãi có tỷ lệ lấp đầy từ 50-70% còn khả năng tiếp nhận rác thải, còn lại 129 bãi tỷ lệ lấp đầy trên 70%.

Toàn tỉnh phát sinh khoảng 1.297 tấn chất thải rắn/ngày đêm. Khoảng 675 tấn (chiếm 52%) vẫn đang được chôn lấp tại các bãi rác. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, tốn kém trong xử lý, thậm chí là việc đốt rác diễn ra ở nhiều bãi chôn lấp khiến người dân bức xúc.

img_5705.jpg
Nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh Hải Dương thường xuyên xảy ra tình trạng đốt rác

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan lập phương án đóng cửa, xử lý các bãi chôn lấp đã dừng hoạt động trên địa bàn quản lý. Trong đó, tập trung lập dự án xử lý ngay các bãi chôn lấp nằm trong quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, đường giao thông và các công trình xây dựng khác. Hướng dẫn UBND cấp xã hoặc chủ đầu tư (hoặc cơ sở quản lý) bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thực hiện đóng cửa bãi chôn lấp theo hướng dẫn tại điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo UBND tỉnh để xem xét, bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Để giảm lượng rác thải ra môi trường và quá tải xử lý, tỉnh Hải Dương đang triển khai thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ủ rác thải hữu cơ tập trung theo Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án được triển khai tại huyện Nam Sách (tất cả xã, thị trấn) với 39.581 hộ, 2 xã (xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà; xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng) với 5.590 hộ, huyện Bình Giang có 2 xã (Vĩnh Hồng và Hùng Thắng) với 6.029 hộ và trên địa bàn tỉnh có 70.000 hộ tham gia phân loại, ủ mùn rác hữu cơ, mới đạt 13,3% tổng số hộ, sau khi phân loại, ủ mùn, lượng rác thải phải chuyển về nhà máy xử lý giảm 50%.

img_4862.jpg
Phân loại rác tại nguồn ở Hải Dương đang đạt được nhiều kết quả

Từ kết quả đạt được, tỉnh Hải Dương đang phấn đấu đạt được mục tiêu 100% số hộ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thì lượng rác vô cơ phải xử lý sẽ còn rất ít. Khi đó, các bãi chôn lấp rác tập trung sẽ không cần phải tồn tại, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng giảm đáng kể.

Kiên Cường