Công tác thanh tra: Phải phát hiện được những sơ hở về cơ chế, chính sách để tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện
Bên cạnh phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, qua công tác thanh tra, phải phát hiện được những sơ hở về cơ chế, chính sách, từ đó tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách.
Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành vào sáng nay (28/12). Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhấn mạnh Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu tham luận tâm huyết, trách nhiệm, đặc biệt là các nội dung quan trọng về công tác thanh tra như: Việc xử lý sau thanh tra; phòng, chống tham nhũng; giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành thanh tra trong năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, đây là những vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa quan trọng để ngành thanh tra cùng với cả nước phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ này, thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và của toàn bộ hệ thống chính trị, sẵn sàng cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để đi đến thịnh vượng và giàu mạnh.
Góp phần quan trọng duy trì kỷ luật, kỷ cương của đất nước
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, năm 2024, chúng ta đã hành động quyết liệt, khắc phục nhiều khó khăn, vượt qua nhiều thách thức, kinh tế xã hội phục hồi tích cực, có chiều hướng tốt dần lên; 15/15 chỉ tiêu cơ bản mà Quốc hội đặt ra là hoàn thành; tốc độ tăng trưởng GDP cao trong khu vực và thế giới khi ước đạt khoảng 7%.
Cùng với đó, những đột phá chiến lược tiếp tục được đẩy mạnh; nhiều công trình trọng điểm quốc gia hoàn thành, đưa vào sử dụng. Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử có bước tiến dài. Đời sống của nhân dân không ngừng tăng lên…
Khẳng định "Đây là những thành tựu lớn của đất nước, trong đó có những đóng góp rất lớn của hệ thống thanh tra", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nêu bật những điểm sáng của ngành thanh tra năm 2024, trong đó nhấn mạnh, ngành thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, đề nghị xử lý và thu hồi khối lượng tài sản lớn cho Nhà nước, cả về giá trị tài chính cũng như đất đai; chuyển cơ quan điều tra hơn 200 vụ việc. Đây là kết quả tốt, góp phần quan trọng duy trì kỷ luật, kỷ cương của đất nước.
Bên cạnh đó, ngành thanh tra cũng đã thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung làm tốt công tác xây dựng thể chế, nhất là thể chế chuyên ngành, góp phần tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chúng ta xác định xây dựng thể chế là "đột phá của đột phá"; xây dựng Nhà nước pháp quyền và quản lý, quản trị đất nước phải bằng hệ thống pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra phải dựa trên hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì mới hiệu quả.
Một nội dung lớn nữa được Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh là tình trạng lãng phí còn rất nghiêm trọng. Chủ trương của Đảng là phải đẩy mạnh phòng chống lãng phí bên cạnh phòng chống tiêu cực, tham nhũng; cho rằng "lãng phí gây hậu quả rất lớn. Chúng ta lãng phí rất nhiều về nguồn lực, nhân lực, thời gian. Tình trạng này đang rất nghiêm trọng". Vì vậy, sau khi nhận nhiệm vụ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra nhiệm vụ là phải chống lãng phí.
Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao Thanh tra cùng các bộ, ngành với sự chỉ đạo của Chính phủ đã thực hiện 2 việc. Một là, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố. Thứ hai là tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án năng lượng tái tạo… Việc tháo gỡ này sẽ khơi thông được nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ; cho rằng cách làm của chúng ta hoàn toàn mới, sau khi có nghị quyết của Chính phủ, đã công bố công khai đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước chứ không phải làm riêng cho cá nhân nào, dự án nào, nên không có chuyện "chạy chọt".
Điểm sáng nữa là công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều đổi mới. Ngành thanh tra đã tăng cường kiểm tra, đôn đốn nên các vụ khiếu kiện kéo dài giảm 23%, những vụ việc phức tạp phần lớn được giải quyết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực đồng ý với những hạn chế, tồn tại đã được nêu rõ trong báo cáo như tỉ lệ xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra chưa cao, còn tình trạng khiếu kiện đông người. Một số kết luận thanh tra còn "chưa được tâm phục, khẩu phục", chưa "thấu tình đoạt lý" và khả thi; hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh tra còn "chưa đều", nhất là thanh tra ở cấp huyện, cũng là vấn đề.
Không trở thành lực cản của quá trình phát triển
Nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới mà ngành thanh tra đã đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thanh tra cần tập trung triển khai thực hiện, trong đó nêu rõ cần phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, xác định kỹ hơn chức năng nhiệm vụ của thanh tra.
Bên cạnh phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, qua công tác thanh tra phải phát hiện những sơ hở về cơ chế, chính sách, từ đó tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách.
"Để làm việc này, thanh tra phải rất giỏi, đồng thời quán triệt tinh thần thanh tra phải phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, không trở thành lực cản của quá trình phát triển. Rất nghiêm nhưng phải rất sát thực tế, hỗ trợ cho quá trình phát triển", Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Đồng thời, thanh tra phải góp phần quan trọng trong việc đánh giá cán bộ trong toàn hệ thống, giúp Đảng có cái nhìn đúng hơn về đội ngũ cán bộ, chỉ ra, "anh này có đáng khen, có đáng bổ nhiệm không và mục tiêu cao nhất của thanh tra là duy trì kỷ cương, phép nước, duy trì trật tự pháp luật".
Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra; kết luận thanh tra phải thấu tình, đạt lý. Bên cạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì phải phòng, chống lãng phí; nêu rõ việc này không chỉ là bổ sung vào báo cáo để cho hay mà cuộc sống đang chờ đợi thanh tra hướng dẫn cho cơ sở nhận diện như thế nào là lãng phí và phải tập trung như thế nào để phòng, chống, xử lý lãng phí; trong chương trình thanh tra năm 2025 nên chọn thanh tra một vụ việc để từ đó tổng kết lại, trở thành hướng dẫn chung.
"Năm 2025 là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng và là năm bản lề để chúng ta thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm tiếp theo trong Chiến lược phát triển KTXH 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 đã được Đại hội XIII đề ra. Tôi tin tưởng rằng với bề dày truyền thống tốt đẹp và sự nỗ lực, cố gắng, tận tụy của các đồng chí, trong năm 2025 và thời gian tới, toàn ngành thanh tra sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đã tin tưởng, giao phó, đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, góp phần tích cực để đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển hùng cường và thịnh vượng", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu./.