Xã hội

Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản thành phố Hạ Long

Hoàng Phong 26/12/2024 - 13:25

(TN&MT) - Sáng 26/12, Thành uỷ Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) phối hợp với Viện Kinh tế (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản thành phố Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Thành phố Hạ Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, là thành phố thủ phủ, thành phố đối ngoại của quốc gia và của tỉnh Quảng Ninh. Với vị trí, vai trò đó, Hạ Long luôn xác định là địa phương có tính tiên phong, dẫn dắt, đột phá đi đầu trong các mục tiêu phát triển chung của tỉnh.

Thời gian qua, dưới sự định hướng và chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản là mục tiêu chiến lược được thành phố Hạ Long nỗ lực thực hiện và bước đầu gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Cùng với việc phát huy các di sản văn hóa địa phương, Di sản Vịnh Hạ Long giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, là động lực trong phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

ong-tien.jpg
Ông Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hạ Long phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Hoàng Phong

Với vai trò đó, song song với các nỗ lực bảo vệ di sản, các sản phẩm du lịch biển đảo trên Vịnh Hạ Long cũng được thành phố xây dựng và phát triển dựa trên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, được khai thác ở tầm quốc gia và quốc tế. Từ việc chỉ đón vài chục nghìn khách tham quan trước khi được công nhận di sản, đến nay mỗi năm Vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách tham quan, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, giúp cho ngành du lịch - dịch vụ có những bước phát triển nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thành phố Hạ Long cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển mạnh kinh tế di sản, làm cho di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành nguồn lực, động lực tăng trưởng, tạo ra sự đột phá phát triển cho nền kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương; xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của hoa và lễ hội, phát triển hệ sinh thái du lịch Hạ Long trở thành điểm đến hấp dẫn.

Để thực hiện thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên mới, bên cạnh những thuận lợi, địa phương này cũng nhận diện còn nhiều khó khăn, thách thức như: Thách thức từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; Tác động hiện hữu do thiên tai, biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh làm gia tăng nguy cơ ngập lụt...

ong-thien.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên (Nguyên Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) phát biểu tham luận- Ảnh: Hoàng Phong

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hạ Long cho biết, sự phát triển của thành phố Hạ Long trong hiện tại và tương lai đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi, có nhiều yếu tố mang tính thời đại và nếu tận dụng được thì thành phố sẽ tiếp tục bứt phá phát triển rất nhanh, bền vững. Do đó, mô hình phát triển trong kỷ nguyên mới của thành phố sẽ tập trung hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được những bất lợi hiện nay thành những lợi thế, với một chiến lược phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản là hướng đi đúng đắn, cùng với tầm nhìn và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo.

Thành phố Hạ Long cần sớm bắt nhịp tư tưởng chỉ đạo mới của Trung ương, tỉnh và xu thế phát triển mới - kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. Việc thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản sẽ là động cơ, động lực dẫn dắt nền kinh tế thành phố bứt phá trong giai đoạn tới, trở thành hình mẫu phát triển tiên phong, tiêu biểu của tỉnh và đất nước.

quang-canh-hoi-thao.jpg
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Hoàng Phong

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận với chủ đề: “Định vị thành phố Hạ Long trở thành đô thị di sản trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; Thảo luận, toạ đàm, tham vấn ý kiến của các đại biểu về chủ đề: “Hạ Long nhìn từ cực tăng trưởng kinh tế đến động lực phát triển vùng, quốc gia và toàn cầu”, “Phát huy giá trị ngoại hạng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cho thúc đẩy kinh tế di sản”.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long đề nghị các phòng, ban, ngành có liên quan của thành phố nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các nội dung đề xuất, khuyến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu để tham mưu cho Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND thành phố cụ thể hoá thành các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt là tiếp thu, bổ sung để đưa vào mục tiêu và định hướng quan trọng trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 và các Đề án, kế hoạch, chương trình hành động ưu tiên của thành phố trong nhiệm kỳ 2025-2030 để triển khai thực hiện. Qua đó, tạo ra sự phát triển đột phá trong nhiệm kỳ mới dựa trên các động lực, phương thức sản xuất mới: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế di sản.

Hoàng Phong