Điện Biên: Đẩy nhanh tiến độ Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm
(TN&MT) - Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh thích ứng biến đổi khí hậu đã được triển khai xây dựng hồi đầu tháng 3/2024. Đến nay, một số gói thầu đã có khối lượng, tuy nhiên xét về tổng thể thì dự án vẫn đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Đây là Dự án phòng, chống thích ứng biến đổi khí hậu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Điện Biên.
Lưu vực sông Nậm Rốm là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất, dân sinh và còn có vai trò quan trọng tạo cảnh quan cho TP. Điện Biên Phủ nhằm thu hút du lịch, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên, hàng năm, lưu vực sông Nậm Rốm chịu nhiều thiệt hại, do thiên tai gây ra, có năm lên tới 250 tỷ đồng. Trong đó, thiên tai như: lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại lớn vùng lòng chảo Điện Biên và một số khu vực lân cận. Để giảm thiểu được tối đa các thiệt hại do lũ, lụt, sạt lở đất gây ra đối với tính mạng, tài sản, đất đai, nhà cửa của người dân, trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực lòng chảo Điện Biên (gồm huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ) nói riêng, trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Trước thực trạng đó, tỉnh Điện Biên đã xây dựng Dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Điện Biên”. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tại Quyết định 170/QĐ-TTg, ngày 4/2/2021. Nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), được triển khai xây dựng trong 5 năm ( từ năm 2021 - 2025) với tổng số vốn hơn 981 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho dự án bao gồm 665,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức; 275 tỷ đồng và vốn đối ứng và 40,5 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ không hoàn lại của EU.
Theo đó, tỉnh Điện Biên sẽ xây dựng 14,7km kè dọc sông Nậm Rốm, xây đập tràn và nạo vét một số đoạn sông. Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm ngoài mục tiêu bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh còn có mục tiêu khác như: nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, chống sạt lở bảo vệ đất đai, tăng cường khả năng tiêu thoát lũ, chống ngập, cấp nước sinh hoạt và nước phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp tại địa bàn.
Sau khi hoàn thành các hạng mục dự án, dòng sông Nậm Rốm đoạn qua TP. Điện Biên Phủ sẽ trở thành đoạn sông đa chức năng, điều tiết lũ, thoát lũ, giảm ngập lụt cho thành phố, trữ nước, bảo vệ bờ chống xói lở, tạo cảnh quan. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo cung cấp các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt phục vụ khoảng 45.000 người trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Lưu vực sông Nậm Rốm sẽ góp phần tăng cường khả năng cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 18.000 ha, bổ sung nước mặt và nước ngầm, tăng khả năng cấp nước sinh hoạt với công suất 2.000 m3/ngày đêm cho người dân vùng lòng chảo và cấp nước công nghiệp cho các nhà máy trong khu vực.
Đây là một trong những dự án nhằm ứng phó biến đổi khí hậu có quy mô xây dựng lớn nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hướng đến môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án Các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết: Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên được chia thành 7 gói thầu. Đến nay, dự án đã triển khai thi công xây dựng 6/7 gói thầu xây lắp, khối lượng xây lắp đã nghiệm thu là 101/610 tỷ đồng. Riêng gói thầu số 7 chưa triển khai thi công vì chưa xong thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản tận thu. Đây là gói thầu nạo vét lòng sông do đó cần phải chờ các gói thầu xây dựng kè thực hiện xong mới tổ chức nạo vét để hoàn thiện theo từng gói thầu.
Để dự án đảm bảo tiến độ thi công, chúng tôi cũng đang đề nghị ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh chỉ đạo UBND thành phố, trung tâm phát triển Qũy đất, UBND huyện Điện Biên tập trung chỉ đạo các xã, phường thuộc phạm vị dự án, các phòng ban liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác ra thông báo thu hồi đất, kiểm đếm đối với các hộ dân còn lại, xác minh nguồn gốc đất, nhân khẩu làm cơ sở để lập phương án, trình thẩm định, phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng của dự án và sớm bàn giao cho các đơn vị thi công để có mặt bằng triển khai xây dựng.
Hiện nay, các gói thầu đang thi công đã làm có khối lượng, một số gói thầu đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên cũng có những gói thầu hiền còn đang chậm tiến độ do vướng mắc về mặt bằng, song chúng tôi sẽ đôn đốc thực hiện để Dự án kịp tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. - Ông Hiệp nói.