Bắc Ninh: Phụ nữ TP Từ Sơn với mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO
(TN&MT) - Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống ngày càng xanh - sạch -đẹp. Hội LHPN TP Từ Sơn, Bắc Ninh đã triển khai thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO.
Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố về công tác bảo vệ môi trường trong việc phân loại rác thải tại hộ gia đình, từng bước thay đổi thói quen phân loại rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ và rác thải nguy hại. Xuất phát từ mục đích giảm thiểu rác thải sinh hoạt, mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình và thực hành làm men vi sinh IMO để xử lý rác thải hữu cơ được được Hội LHPN TP Từ Sơn chọn làm mô hình điểm trong phong trào chống rác thải sinh hoạt.
Được biết, hiện nay nhiều gia đình các chị em hội viên phụ nữ TP Từ Sơn đều thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà rất tốt. Nhà nhà đều duy trì công việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, ngõ phố, khu dân cư xanh, sạch, đẹp.
Chị Vũ Thị Nga (khu phố Đại Đình, phường Tân Hồng) thực hiện mô hình "Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO" tại gia đình mình. Từ thành công phân loại và xử lý rác của gia đình chị Nga, nhiều gia đình hội viên trong khu phố và phường đã lần lượt vào cuộc.
Ngay từ đầu năm 2022, khi Hội LHPN TP Từ Sơn triển khai xây dựng mô hình "phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO" trên địa bàn thành phố, Hội LHPN phường Tân Hồng đã mạnh dạn chọn khu phố Đại Đình làm điểm, với 280 thành viên nòng cốt, chị Nga là một trong những người đầu tiên tích cực thực hiện mô hình.
Tương tự hộ gia đình chị Liên cho hay, với thùng rác hữu cơ (thường chiếm 60% số rác thải trong mỗi gia đình bao gồm: cơm canh thừa, vỏ rau củ quả, gốc rau, rơm, rau củ, quả hỏng, phân vật nuôi…) chúng tôi tạo thành men vi sinh IMO bằng cách, dùng các chế phẩm như cám gạo, men rượu, men tiêu hóa, sữa chua, đường, chuối, nước, đem ủ trong 24h đến 48h, sẽ tạo ra men vi sinh IMO (còn gọi là men gốc).
Sử dụng men vi sinh IMO tự chế tại nhà theo công thức, nguyên liệu có sẵn làm nước xịt khử mùi hôi trong không khí, biến rác hữu cơ thành phân bón vi sinh hoặc chế tạo thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ rất hiệu quả. Cách làm này vừa mang lại hiệu quả kinh tế, không tốn kém chi phí và quan trọng là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu hành động vì môi trường sạch và hạn chế rác thải hữu cơ ra ngoài môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính phụ nữ và gia đình.
Việc phân loại và tái chế rác thải là điều rất cần thiết để giảm nguồn chất thải, góp phần bảo vệ môi trường sống. Trong khi đó, hầu hết các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại ngay tại mỗi gia đình. Tuy nhiên, rác thải hiện nay lại chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không dùng được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác.
Với vai trò chủ đạo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN TP Từ Sơn đã chỉ đạo Hội LHPN các phường hàng năm tổ chức tập huấn, thành lập tổ phụ nữ phân loại rác thải tại hộ gia đình và ứng dụng men vi sinh xử lý rác thải hữu cơ, phân công cán bộ hội và hội viên nòng cốt tham gia làm trước tại hộ gia đình. Sau khi có kết quả phân công cán bộ hội mỗi tháng đến trực tiếp hướng dẫn từ 5 hộ trở lên về cách phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ, cách làm vi sinh, cách nhân vi sinh IMO để các hộ tự phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường giữ gìn môi trường sạch sẽ từ trong thôn, xóm.
Tính từ đầu năm 2022 mô hình "phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO" bước đầu mang lại hiệu quả kép, giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường và rác thải qua xử lý trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Lượng rác thải hữu cơ thu gom tại các khu dân cư giảm 30 - 40% so với trước khi thực hiện phân loại và xử lý rác bằng men vi sinh IMO.
Bên cạnh đó, mô hình phân loại và xử lý rác thải cũng đã nhân rộng ra các phường trên địa bàn thành phố. Đến nay, hơn 6.022 hộ áp dụng quy trình phân loại rác xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình TP Từ Sơn, Tân Hồng, Đình Bảng, Đồng kỵ.....
Bà Hạnh cho biết thêm, đây là mô hình tiềm năng, triển vọng cần được phát triển trong thời gian tới. Để phát triển mô hình, Hội đề nghị chị em hội viên tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích sử dụng men IMO để xử lý rác, từng bước thay đổi trong sinh hoạt của người dân, thay đổi những hành vi tác động, gây hại cho môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện, mỗi cán bộ Hội cần gương mẫu đi đầu thực hiện việc sử dụng men IMO trong xử lý rác thải, tiến tới cuối năm 2025, mỗi cơ sở có ít nhất 30% hộ gia đình sử dụng men vi sinh IMO, thành lập nhóm sản xuất men vi sinh IMO tại các khu dân cư.
Với mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình, Hội viên phụ nữ một lần nữa tiếp tục khẳng định và tự nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về ô nhiễm môi trường của thành phố cũng như công tác bảo vệ môi trường.