Xã hội

Tạo động lực để người cao tuổi khởi nghiệp

Khánh Ly 23/12/2024 19:02

(TN&MT) - Ngày 23/12, Ban Chỉ đạo Đề án “Người cao tuổi tham gia khởi nghiệp, việc làm; chuyển đổi số; chuyển đổi xanh” đã tổ chức Hội thảo tham vấn đề cương Đề án. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công thành và Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình đồng chủ trì Hội thảo.

Theo số liệu cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an, năm 2023, Việt Nam có khoảng 17 triệu người cao tuổi (chiếm 17% tổng dân số). Trong đó, 2/3 số người cao tuổi trong độ tuổi sơ lão (từ 60 – 69) tuổi. Mặc dù thể lực có thể suy giảm, nhưng trí tuệ, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh rất phong phú. Nhiều người cao tuổi vẫn đang nêu gương sáng trong phát triển kinh tế; vận động con cháu, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư cùng lao động, sản xuất.

img_2835.jpg
Quang cảnh hội thảo

Dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2035, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già, với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm gần 20% tổng dân số. Theo các chuyên gia, trong vòng 10 năm tới, sẽ có hàng triệu người cao tuổi có nhu cầu khởi nghiệp, dạy nghề và tìm việc làm mới. Điều đó đặt ra vấn đề rất lớn cho xã hội. Nếu phát huy tốt, người cao tuổi sẽ là lực lượng lao động quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Khi xã hội siêu già – người già chiếm 1/3 tổng dân số, người cao tuổi sẽ là lực lượng lao động chủ yếu. Việc chuẩn bị về lực lượng, kỹ năng ngay từ bây giờ rất cần thiết. Người cao tuổi tham gia lao động sản xuất, ngoài mục đích kinh tế, năng suất còn là vấn đề sức khỏe, vấn đề duy trì trí tuệ, làm chậm quá trình lão hóa. Điều này cũng vì mục tiêu: Người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, là tấm gương sáng trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

img_2757.jpg
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết: Việc nâng cao chất lượng đời sống và gia tăng tuổi thọ trung bình là thành tựu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững, xu thế già hóa dân số nhanh là điều tất yếu.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra và chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò của người cao tuổi, trên cơ sở đề xuất của Hội Người cao tuổi Việt Nam, Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Hội, các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Đề án “Người cao tuổi tham gia khởi nghiệp, tạo việc làm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

“Đề án sẽ góp phần tạo dựng "nền kinh tế tóc bạc" ở Việt Nam theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, chuẩn bị cho thời điểm Việt Nam bước qua thời kỳ dân số vàng và chuyển sang già hóa dân số, xã hội siêu già” – ông Bình nhấn mạnh và khẳng định, Đề án có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hiện tại và tương lai của đất nước.

img_2811.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ về nội dung dự thảo Đề án, ông Trương Xuân Cừ, Phó chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: Đề án chia thành 2 giai đoạn thực hiện gồm 2025 – 2030 và 2030 – 2035; đi kèm các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Đối tượng tham gia là người cao tuổi quản lý điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, công ty; người lao động cao tuổi trong các doanh nghiệp; các doanh nghiệp, HTX do người cao tuổi tham gia quản lý điều hành; doanh nghiệp tạo nhiều việc làm cho người cao tuổi (trên 50%). Ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ chế biến, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát huy ngành nghề truyền thống, khai thác tài nguyên bản địa. Cán bộ, hội viên người cao tuổi có nhu cầu khởi nghiệp, phát triển kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng có thể tham gia Đề án.

Các hoạt động chính của Đề án bao gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, xây dựng các mô hình thí điểm, nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ người cao tuổi, theo dõi và giám sát, đánh giá Đề án.

img_2766.jpg
Ông Trương Xuân Cừ, Phó chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam chia sẻ về nội dung Đề án

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan, đại diện Trung ương Hội người cao tuổi, Văn phòng Chính phủ, tổ chức liên quan đến người cao tuổi... đã cùng góp ý cho dự thảo Đề án. Nhìn chung, các ý kiến đều khẳng định Đề án rất cần thiết và kịp thời. Dự thảo đã đưa ra nội dung dày dặn, bao quát các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, thể hiện kinh nghiệm quốc tế với cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam.

Nhiều ý kiến đề xuất cần thay đổi tên gọi của Đề án theo hướng khuyến khích người cao tuổi chủ động triển khai đề án. Họ vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng hưởng lợi. Các hoạt động của Đề án cần được thiết kế để làm sao thu hút nhiều người cao tuổi tham gia. Các chương trình đào tạo ngắn hạn cho người cao tuổi cần có nội dung dễ hiểu, phù hợp nhu cầu thông tin của họ. Cần tính đến những việc làm phù hợp với sức khỏe, không gian, thời gian của người cao tuổi...

img_2784.jpg
Các đại biểu góp ý cho dự thảo Đề án

Về chuyển đổi số, Đề án cần thúc đẩy người cao tuổi tiếp cận các sản phẩm chuyển đổi số, như các ứng dụng theo dõi thông tin, truyền thông trao đổi kinh nghiệm, kết nối hội nhóm, cộng đồng khởi nghiệp... Bên cạnh đó, cần có cách thức phù hợp để tận dụng được lợi thế của người cao tuổi về kinh nghiệm dày dặn trong sản xuất, kinh doanh hay các vấn đề chuyên môn cao, kết nối hoạt động của người cao tuổi với các thế hệ khác chứ không nên tách rời, riêng rẽ... Ngoài ra, Đề án cần có cách thức vận động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách, xây dựng và có cơ chế vận hành các quỹ hỗ trợ trong tương lai.

img_2777.jpg
Các ý kiến đều cho rằng Đề án rất quan trọng và cần thiết

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng các ý kiến rất xác đáng. Người cao tuổi là chủ thể và cũng sẽ hưởng lợi từ Đề án. Người cao tuổi Việt Nam hiện nay có tuổi thọ ngày càng cao, sức khỏe ngày càng tốt và trình độ cũng cao hơn. Tuy nhiên, thách thức là số lượng con cháu ít đi, mô hình quan hệ trong gia đình truyền thống cũng có nhiều thay đổi. Đề án cần tính đến những lợi thế, khó khăn đó để giúp người cao tuổi tham gia vào công cuộc chuyển mình của đất nước, của dân tộc, trở thành nước có thu nhập trung bình cao. “Nếu thực hiện tốt Đề án này, thực sự, người cao tuổi ở Việt Nam sẽ đúng với câu nói: Tuổi cao chí càng cao” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cố gắng hết sức để xây dựng Đề án phù hợp với tính chất dài hơi của vấn đề, phù hợp với bối cảnh giai đoạn thay đổi nhanh chóng về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ; cũng như tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến bằng văn bản đối với các cơ quan có liên quan để nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Đề án, trình Chính phủ trong thời gian tới.

Khánh Ly