Trao giải Cuộc thi tác phẩm báo chí “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ Hai và Phát động Giải “Báo chí Phát triển Xanh” lần thứ Nhất
(TN&MT) - Chiều 20/12, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi tác phẩm báo chí “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ Hai (năm 2023 - 2024) với chủ đề “Chung tay bảo vệ đại dương - Vì một Việt Nam xanh hơn” và Phát động Giải “Báo chí Phát triển Xanh” lần thứ Nhất (2023 - 2025).
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT; ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Chánh Văn phòng Bộ TN&MT; ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT; ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng Biên tập Báo TN&MT, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh hướng đến NetZero Carbon; ông Lê Xuân Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo TN&MT; bà Lý Thị Hồng Điệp, Phó Tổng Biên tập Báo TN&MT.
Về phía các Bộ, Ngành Trung ương có bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Văn Hoài, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt; ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh hướng đến NetZero Carbon; Đại tá Trần Hữu Lý, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự, Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng; ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam; bà Lê Mỹ Ái Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hoá Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam.
Tham dự buổi lễ còn có thành viên Hội đồng Giám khảo Cuộc thi; các tác giả và nhóm tác giả có bài dự thi đoạt giải; đại diện một số doanh nghiệp và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Chung tay bảo vệ đại dương góp phần bảo vệ bền vững kinh tế biển
Theo Ban Tổ chức, Cuộc thi tác phẩm báo chí “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ Hai (2023 - 2024) có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 36/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Cuộc thi đã đạt được mục tiêu, mục đích đề ra, tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường biển, gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên biển; kiếm tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa biển; nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, an ninh biển; phát triển bền vững kinh tế biển; góp phần thực hiện hiệu quả một trong các mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra.
Đặc biệt, thông qua những con người cụ thể, hành động, việc làm, mô hình cụ thể, đã lan tỏa rộng rãi gương người tốt việc tốt nhằm thay đổi nhận thức, từ đó biến thành hành động; dần hình thành thói quen giữ xanh, sạch, đẹp môi trường biển, khai thác hợp lý, bảo vệ hệ sinh thái biển; hình thành nếp sống xanh, văn hóa sống xanh, pháp luật sống xanh bền vững vì biển, đảo trong cộ. Khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm công dân trong việc phát triển các giá trị kinh tế, bảo vệ chủ quyền an ninh, bồi đắp giá trị văn hóa con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam gắn với biển và môi trường biển.
Cũng theo Ban Tổ chức, kể từ sau Lễ phát động cuộc thi tác phẩm báo chí “Cùng giữ màu xanh của Biển” lần thứ Hai, đến nay, sau hai năm, Ban Tổ chức đã nhận được 1.081 tác phẩm dự thi của các tác giả trên mọi miền đất nước với đông đủ thành phần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp…: Chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, bộ đội, giáo viên, sinh viên, học sinh, người cao tuổi, nông dân, nội trợ, nghề tự do… Những con số trên đã chứng minh sức hút mạnh mẽ, sâu rộng của cuộc thi, qua đó thấy được thái độ, trách nhiệm của các tác giả trong việc chung tay gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.
Một số hình ảnh tại Lễ trao Giải
Hội đồng chấm giải cuộc thi bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực liên quan; các nhà quản lý báo chí, nhà báo tên tuổi có kinh nghiệm tổ chức, chấm giải các cuộc thi uy tín.
Sau thời gian xem xét, thảo luận và chấm điểm với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, khách quan và công tâm, Hội đồng Giám khảo Cuộc thi đã lựa chọn 30 tác phẩm vào vòng Chung khảo và đã đề xuất trao 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 02 giải Ba; 03 giải Khuyến khích; 03 giải Ấn tượng. Ngoài ra, Ban Tổ chức tặng thưởng cho 01 tập thể có nhiều đóng góp chất lượng vào thành công giải tác phẩm báo chí “Cùng giữ màu xanh của Biển” lần thứ Hai năm 2023 - 2024.
Đánh giá về chất lượng các các phẩm được lựa chọn trao giải, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP.HCM, thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi tác phẩm báo chí “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ Hai biết, các tác phẩm được lựa chọn trao giải lần này được đầu tư công phu, khoa học, có chất lượng, thể hiện xứng tầm cả về nội dung và hình thức; trong đó, hầu hết tác phẩm là các tuyến bài nhiều kỳ, sử dụng hình thức tuyên truyền hiện đại, một số tác phẩm tích hợp thể loại báo chí đa phương tiện.
Cùng với đó, các tác phẩm đã tập trung phản ánh, tuyên truyền về những tập thể, cá nhân điển hình, có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường biển, gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên biển; Góp phần phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; Hạn chế rác và sản phẩm nhựa dùng một lần, những tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người;
Đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, mô hình, giải pháp công nghệ xử lý chất thải - rác thải - rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường biển; bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên biển; Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết thân thiện với biển; Bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Nổi bật, một số tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung sâu sắc, văn phong mượt mà, ngôn ngữ đẹp; hình thức thể hiện hấp dẫn, sáng tạo, ảnh đẹp… Điển hình như: “Thiên đường chim hoang dã giữa đại dương” của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng; “Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang” của Tác giả Thái Thịnh; “Lời thề giữ biển mãi xanh” của Tác giả Đình Du; “Mang rác về bờ để mang cá về bờ” của Tác giả Ái Trinh...);
Một số tác phẩm tích hợp thể loại báo chí đa phương tiện (điển hình như “Phục hồi rạn san hô” của Tác giả Thái Thịnh; “Nghĩ xanh, làm xanh, sống xanh” để giữ biển xanh của Tác giả Lê Thị Hảo...).
Bên cạnh đó, một số tác phẩm dự thi có tính nghiên cứu sâu, phát hiện mới, đưa ra các giải pháp, mô hình hiệu quả, rút ra các bài học kinh nghiệm góp phần vào công tác bảo vệ, gìn giữ tài nguyên, môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu (điển hình như “Kỳ tích Cù Lao Chàm” của tác giả Thái Bá Dũng; “Hồi sinh biển Cửa Đại” của Tác giả Lê Quốc Duy...
Một số tác phẩm lấy việc giữ môi trường biển xanh làm trục trung tâm để phát triển ra các lĩnh vực Văn hóa, Chủ quyền, Tình yêu quê hương đất nước (điển hình như: “Trường Sa xanh, sạch, mạnh” của Đại tá Đỗ Phú Thọ; “Cho Trường Sa xanh mãi ngàn sau” của Tác giả Nguyễn Hiệp…).
Thông qua các tác phẩm dự thi cũng đã làm sáng lên những tập thể, cá nhân hết lòng với biển như Đại tá, TS. Trần Hữu Lý trong tác phẩm “Yêu biển theo cách của ngành Kỹ thuật” của Tác giả Nguyễn Mạnh Thắng; ngư dân Đặng Phương Tài ở xã Cần Thạnh, Cần Giờ, TP.HCM trong tác phẩm “Lời thề giữ biển mãi xanh” của Tác giả Đình Du, cùng nhiều tập thể, cá nhân khác.
DANH SÁCH CÁC TÁC PHẨM ĐẠT GIẢI CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ “CÙNG GIỮ MÀU XANH CỦA BIỂN” LẦN THỨ HAI
A. GIẢI NHẤT:
1. Tác phẩm: “Yêu biển theo cách của ngành Kỹ thuật”. Tác giả: Đại tá Nguyễn Mạnh Thắng - Báo Quân đội Nhân dân
B. GIẢI NHÌ
1. Tác phẩm: “Kỳ tích Cù Lao Chàm”. Tác giả: Thái Bá Dũng - Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh
2. Tác phẩm: “Nghĩ xanh, làm xanh, sống xanh để giữ biển xanh”. Tác giả: Lê Thị Hảo – Giáo viên Trường THCS Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình
C. GIẢI BA:
1. Tác phẩm: “Mang rác về bờ để mang cá về bờ”. Tác giả: Ái Trinh - Chi cục Thủy sản Bình Định (tỉnh Bình Định)
2. Tác phẩm: “Lời thề giữ biển mãi xanh”. Tác giả: Đình Du – Văn phòng Đại diện tại TP.HCM Báo TN&MT
D. GIẢI KHUYẾN KHÍCH:
1. Tác phẩm: “Hồi sinh biển Cửa Đại”. Tác giả: Lê Quốc Duy – Văn phòng Đại diện miền Trung Báo TN&MT.
2. Tác phẩm: “Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang”. Tác giả: Thái Thịnh - Báo Khánh Hòa - 77 Yersin, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
3. Tác phẩm: “Chuyện bảo vệ môi trường biển ở vịnh biển đẹp như “nàng công chúa say ngủ” của Nhà máy lọc dầu Dung Quất”. Tác giả: Thanh Hiếu – Thành Linh – Tạp chí Năng lượng mới (PetroTimes)
E. GIẢI ẤN TƯỢNG:
1. Tác phẩm: “Thiên đường chim hoang dã giữa đại dương”. Tác giả: Đỗ Doãn Hoàng – Báo điện tử Dân Việt
2. Tác phẩm: “Cho Trường Sa xanh mãi ngàn sau”. Tác giả: Nguyễn Hiệp - Thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận
3. Tác phẩm: “Trường Sa xanh, sạch, mạnh”. Tác giả: Đại tá Đỗ Phú Thọ, Ban Chỉ đạo 35 Quân uỷ Trung ương - Bộ Quốc phòng
Giải báo chí Phát triển xanh: Tôn vinh tác phẩm báo chí góp phần xanh hóa Việt Nam
Tại buổi lễ, Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon (GREEN MEDIA HUB) đã phát động Giải “Báo chí Phát triển xanh” lần thứ Nhất (2023 - 2025).
Theo đó, Giải “Báo chí phát triển xanh lần thứ nhất” (2023-2025) do Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon (GREEN MEDIA HUB) đồng sáng lập nhằm vinh danh, khen thưởng xứng đáng các tác phẩm báo chí góp phần Xanh hóa Việt Nam (bao gồm: Các tác phẩm, tác giả, cơ quan báo chí được giải; Các cơ quan, đơn vị nhân vật đóng góp tích cực vào quá trình tham gia, hỗ trợ Giải).
Đây là hoạt động quan trọng, góp phần tuyên truyền, truyền thông; tham vấn, phản biện chính sách; thúc đẩy thực hiện kịp thời các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 và tăng cường thực hiện chủ trương, cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon…
Cùng với đó là góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp về sự cần thiết và trách nhiệm tiên phong của mình trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu trong nước hướng đến cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Đồng thời, tôn vinh những giải pháp công nghệ, sáng kiến, hiến kế, điển hình, mô hình khởi nghiệp trong công cuộc giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đi đôi với xây dựng xã hội, gắn kết thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, xây dựng thị trường carbon… phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, phát triển bền vững đất nước.
Giải cũng tạo diễn đàn, sân chơi về nghiệp vụ cho các thành viên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh; ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan báo chí có tác phẩm báo chí chất lượng cao chủ đề Phát triển Xanh, thành tích trong hoạt động tuyên truyền, truyền thông chủ đề phát triển xanh, phát triển bền vững.
Theo ông Lê Xuân Trung, Giải thưởng sẽ trao cho những tác phẩm báo chí xứng đáng về các đề tài phát triển xanh: Những ý tưởng, câu chuyện, vấn đề, sự kiện, nhân vật thú vị, mới lạ, độc đáo, khác biệt… truyền thông điệp, truyền cảm hứng về khởi nghiệp, phát triển kinh tế xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Những sáng kiến của mọi người dân, hiến kế của cộng đồng, giải pháp và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn theo xu hướng 3T (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế); Những chủ trương, kế hoạch, chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả, thân thiện với môi trường của các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở địa phương và Trung ương.
“Xanh hóa Việt Nam là vấn đề thời sự - thời đại đang nhận được sự quan tâm đặc biệt hiện nay. Xanh hóa Việt Nam đặt ra các yêu cầu về: Chuyển đổi xanh nền kinh tế từ nhận thức đến hành động, từ chính sách đến thực tiễn, từ hình mẫu đến đại trà; Chuyển đổi hành vi, thói quen của người dân, cộng đồng trong ứng xử xanh với môi trường, từ tiêu dùng xanh, du lịch xanh... đến xây dựng cuộc sống xanh; Thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam trước cộng đồng thế giới. Phát động Giải Báo chí Phát triển Xanh, Ban Tổ chức mong muốn tiếp tục nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các tác giả, phóng viên, các cây bút chuyên và không chuyên, đóng góp hiệu quả, thiết thực vào mục tiêu xanh hóa Việt Nam.” – Ông Lê Xuân Trung nhấn mạnh.