Bất động sản

Nhiều dự án bất động sản chậm triển khai gây lãng phí

T.Linh 20/12/2024 - 16:33

(TN&MT) - Các dự án bất động sản "đắp chiếu" không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai và tài chính mà còn làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp, người dân và ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội vào 26/10/2024, một lần nữa Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ quan điểm mạnh mẽ về trách nhiệm đối với tình trạng lãng phí vì đây là vấn đề khiến người dân rất bức xúc. Nhất là trong lĩnh vực bất động sản, với sự chậm triển khai của nhiều dự án, là một trong những điểm cần được giám sát chặt chẽ.

Các dự án bất động sản "đắp chiếu" không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai và tài chính mà còn làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp, người dân và ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

bds-lang-phi.jpg
Sau hơn 4 năm, Dự án Khu đô thị mới cồn Khương (Cần Thơ) của Văn Phú Invest vẫn "giậm chân tại chỗ", gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực xã hội.

Chính phủ cũng rất quyết liệt trong công tác điều hành: ngày 17/11/2022, Thủ tướng chính phủ đã ban hành QĐ số 1435/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gõ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tháng 8/2023, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, tại Thông báo này, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động thành lập các Tổ công tác, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cùng doanh nghiệp, người dân trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn. Ngày 23/10/2024, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các Dự án.
Dù đã nhận được chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, tình trạng thờ ơ, chậm giải quyết các dự án bất động sản vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là Cần Thơ.

Tháng 6 năm 2023, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành Uỷ Cần Thơ và đã có những chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại không cao đã có Quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014. Nhưng thực tế, đến nay các dự án vẫn chưa có tiến triển, gây thất thoát lớn về nguồn lực của xã hội.


Hiện trạng và trách nhiệm chậm triển khai tại Cần Thơ
Theo phản ánh của các cử tri tại các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ninh Kiều tại TP. Cần Thơ, có nhiều dự án quy hoạch đã lâu trên địa bàn nhưng chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.


Giai đoạn từ năm 2015-2019, TP đã kêu gọi và được nhiều nhà đầu tư có uy tín, có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký như Công ty cổ phần Vinpearl, Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú-Imvest, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Long Giang,...

Nhiều dự án của các nhà đầu tư đã được phê duyệt QHCT từ năm 2020, đến nay vẫn không tiến triển như dự án: Khu đô thị mới cồn Khương, Khu đô thị mới hai bên đường Võ Văn Kiệt (Khu 4), Khu đô thị mới hai bên đường Võ Văn Kiệt (Khu 9),... Trong đó, có dự án có vị trí kết nối giao thông rất kém, kết nối với giao thông bên ngoài là đường đất độc đạo nhỏ, là vùng đất trũng, địa chất yếu, dân cư hiện trạng đi lại khó khăn như dự án Dự án Khu đô thị mới cồn Khương của Liên danh Nhà đầu tư Công ty cổ phần Văn Phú-Invest và công ty cổ phần 216.

Dự án này, với quy mô khoảng 50 ha, là sự kỳ vọng biến vùng đất trũng thành Khu đô thị đáng sống, đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2019 và chấp thuận đầu tư vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm, tiến độ dự án vẫn "giậm chân tại chỗ," gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực xã hội.
Việc chậm triển khai các dự án bất động sản không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn tạo ra những tác động tiêu cực đối với người dân và doanh nghiệp. Người dân chịu ảnh hưởng nặng nề khi sống trong điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, không được hưởng quyền lợi tái định cư, bồi thường bị đình trệ, gây ra sự bất ổn và giảm niềm tin vào chính quyền. Doanh nghiệp phải đối mặt với thiệt hại về chi phí, rủi ro tài chính và mất cơ hội phát triển. Tình trạng này không chỉ làm chậm sự phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của TP Cần Thơ nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Để tháo gỡ tình trạng này, cần những hành động quyết liệt từ phía các cấp chính quyền địa phương. Trước hết, khơi thông các thủ tục pháp lý để các dự án tiếp tục triển khai thực hiện. Song song với đó, công tác giải phóng mặt bằng phải được quyết liệt đẩy mạnh với các biện pháp phù hợp.


Chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân hay tổ chức nào mà còn là bổn phận của các cấp chính quyền trong việc thực thi chính sách một cách hiệu quả. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hành động để giải quyết tình trạng dậm chân tại chỗ của các dự án bất động sản, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và lấy lại niềm tin từ người dân và doanh nghiệp đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc chống lãng phí.


Thành phố Cần Thơ cần khẩn trương giải quyết những nút thắt hiện tại để các dự án bất động sản đã được Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo từ tháng 6 năm 2023 về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất theo Luật Đầu tư năm 2014, đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực và đất nước.

T.Linh