E-magazine: Dự án 8 tại Yên Bái - Phát huy vai trò của tổ truyền thông cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 09:42, 15/12/2024
Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã tham mưu và ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai Dự án 8, cùng với đó các cấp Hội trong tỉnh chú trọng triển khai các mô hình, hoạt động cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, trong đó thành lập được tổ truyền thông cộng đồng bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực tại nhiều xã, thị trấn.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đã được các cấp ngành địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao, tổ chức thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo, những mô hình mới như thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, tổ chức các cuộc đối thoại chính sách,… Qua đó, nhận thức về giới của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được nâng lên, chị em có nhiều điều kiện tiếp cận các hoạt động, dịch vụ xã hội bình đẳng hơn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Như thường lệ, vào ngày thứ 7 cuối cùng của tháng, tổ truyền thông cộng đồng thôn Đá Gân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn lại cùng nhau tập trung tại nhà một hộ thành viên vừa để lên kế hoạch tuyên truyền, vừa chia sẻ cho chính thành viên trong tổ về những chương trình, hoạt động liên quan đến các vấn đề mà họ cùng quan tâm.
Nội dung chính của buổi truyền thông là truyền tải những thông tin trên toàn quốc, trên địa bàn tỉnh đến những vấn đề sát sườn của chị em và người dân ngay tại địa phương như các tin tức thời sự, các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bạo lực gia đình; các chương trình về phát triển kinh tế, các những cách làm hay của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc….
Ông Lương Đức Hải - Tổ trưởng tổ truyền thông thôn Đá Gân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: Hiện tổ truyền thông cộng đồng của thôn gồm 9 thành viên, trong các cuộc họp thôn chúng tôi thường tuyên truyền đến người dân về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến về giới, đặc biệt tích cực tuyên truyền về bạo lực giao đình. Trước kia ở thôn vẫn còn tình trạng chồng đi uống rượu say về bạo lực gia đình với vợ con, từ tổ tuyền thông cộng đồng được thành lập tình trạng đó đã giảm đi đáng kể.
Tổ truyền thông cộng đồng không chỉ thu hút các thành viên là phụ nữ mà còn có nam giới ở các độ tuổi cùng tham gia. Điều đó cho thấy trách nhiệm của nam giới trong việc san sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho phụ nữ đã được nâng lên góp phần thực hiện bình đẳng giới tại cơ sở.
Cùng với hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn bản, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền thay đổi tư duy nhận thức cho chị em phụ nữ cũng được chú trọng bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các hội thi, buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…góp phần giúp chị em phụ nữ bớt sự tự ti, mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội
Bà Vàng Thị Giông - Thôn Ba Cầu, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn chia sẻ: “Trước đây phụ nữ Mông chỉ làm việc nhà, chăm sóc con cái, ít được tham gia các cuộc họp. Bây giờ vào tổ chức hội phụ nữ mình được đi sinh hoạt hàng tháng có nhiều hoạt động bổ ích như nghe các chị tư vấn, nói chuyện về việc không sinh nhiều con, không tảo hôn, cho con đi học. Chồng đi sinh hoạt về cũng đỡ vợ việc nhà, vợ chồng bảo nhau làm ăn”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tỉnh Yên Bái cũng triển khai nhiều cách làm nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ. Trong đó, triển khai các chương trình hỗ trợ về vốn vay để phụ nữ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, thành lập các mô hình, các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, khuyến khích chị em tham gia các chương trình khởi nghiệp…Đặc biệt, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, giúp chị em phụ nữ nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần, làm chủ tài chính, làm chủ tự do là tiền đề để thực hiện bình đẳng giới có hiệu quả ở các địa phương trong toàn tỉnh.
Với nhiều nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Hội LHPN tỉnh triển khai tại 59 xã, 55 thôn đặc biệt khó khăn của các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ. Đối tượng thụ hưởng Dự án 8 là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn với mục tiêu chung là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo, giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ tỉnh Yên Bái Hoàng Phương Thúy, để góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, toàn tỉnh đã thành lập được 343 tổ truyền thông cộng đồng (đạt 109% kế hoạch).
Đồng thời, tổ chức 584 cuộc truyền thông tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ các tập tục có hại cho phụ nữ, trẻ em; xây dựng và duy trì 47 mô hình truyền thông cộng đồng do nam giới tiên phong để truyền thông cộng đồng về nội dung "xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
Để các “Tổ truyền thông tại cộng đồng” hoạt động hiệu quả, Ban điều hành Dự án 8 tỉnh Yên Bái đã tập trung hỗ trợ xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số qua các ứng dụng Zalo, Facebook, từ đó vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện tại địa phương. Chỉ sau thời gian ngắn triển khai, mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.
Nhằm giúp các tổ truyền thông hoạt động hiệu quả, Hội Phụ nữ đã tăng cường mở các lớp tập huấn, đồng thời tổ chức hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ truyền thông cộng đồng.
Tại các buổi giao lưu, các thành viên, hội viên được chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, cách làm sáng tạo trong việc thực hiện các nội dung tuyên truyền và được xem các tiểu phẩm do các tổ truyền thông dàn dựng để tuyên truyền tại cơ sở. Trong đó, chủ yếu đề cập đến các vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em tại các địa phương như: bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng bạo lực gia đình…Từ đó nam giới có cái nhìn công bằng hơn về vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Các hoạt động cộng đồng được thực hiện với sự tham gia của cả nam giới và nữ giới giúp nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong các quyết định quan trọng của làng, xã.
Cùng với các “Tổ truyền thông cộng đồng”, Hội còn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ các cấp, Ban Điều hành dự án cấp tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, 20 lớp tập huấn cho đội ngũ thôn, bản. Bên cạnh đó, Hội đã thành lập 52 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình đạt 162, 5 % kế hoạch; 80 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại các trường THCS và tại thôn, bản đạt 123 % kế hoạch ... Các mô hình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình; thực hiện truyền thông nâng cao kiến thức cộng đồng về các vấn đề bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, cũng đã được các cấp Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các hoạt động tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn về xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản; hỗ trợ 4 mô hình tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ…
Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện các nội dung thuộc Dự án 8. Đồng thời, chú trọng đến việc thúc đẩy các cơ sở Hội, sáng tạo nhiều nội dung hoạt động để duy trì tính bền vững của các mô hình tại cộng đồng trong khuôn khổ dự án; các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát và chủ động tổ chức, triển khai các hoạt động đạt kết quả.
Ban điều hành dự án các cấp chủ động tổ chức kiểm tra định kỳ, đồng thời lồng ghép việc kiểm tra tiến độ thực hiện dự án trong việc thực hiện nhiệm vụ Hội, bên cạnh đó, theo dõi tiến độ dự án được thực hiện thông qua báo cáo định kỳ hàng tháng của các huyện, thị xã...
Bài và hình ảnh: Thanh Ngà
Trình bày: Tùng Quân