Nghệ An - Hà Tĩnh: Nỗ lực đăng ký cho các tàu cá “3 không”
Sau khi Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT của mỗi tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã ven biển tổ chức rà soát, thống kê, tham mưu công bố danh sách tàu cá “03 không”. Đến thời điểm này, cơ bản các địa phương này đã hoàn tất 100% việc đăng ký cho các tàu cá này.
Tại tỉnh Nghệ An, theo số liệu được đưa ra tại buổi kiểm tra chiều ngày 18/12/2024 do ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế và làm việc với các Sở, ngành, địa phương liên quan về việc triển khai nhiệm vụ cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thì đến thời điểm hiện nay tổng số tàu cá đã đăng ký trên địa bàn tỉnh này là 2.840 chiếc, đạt 100% tàu cá thuộc diện phải đăng ký; đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase đạt 100%.
Có 969/1.058 tàu đã cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) còn hạn, đạt 91,59% so với tổng số tàu cá phải cấp và đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác; còn 89 tàu cá chưa thực hiện cấp/cấp lại Giấy chứng nhận ATTP (chiếm 8,41%).
Có 1.044/1.058 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT), đạt 98,7%. Những tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT đều được quản lý chặt chẽ, hàng tuần địa phương nơi tàu cá neo đậu phải chụp hình ảnh tàu cá kèm theo tọa độ nơi neo đậu về cho Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư để theo dõi.
Các Tổ Liên ngành đã kiểm tra 2.780 lượt tàu rời cảng, 2.836 lượt tàu cá cập cảng, tổng sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng được kiểm tra 10.793 tấn. Tổ Liên ngành đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 14 vụ/14 đối tượng/14 phương tiện về hành vi khai thác sai vùng (10 vụ), sai nhật ký (02 vụ), không báo cáo trước 1 giờ khi vào cảng (01 vụ), không duy trì kết nối VMS (01 vụ) và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Cảng cá đã giám sát được 14.431 lượt tàu cá cập cảng, bến cá; sản lượng thủy sản được giám sát là 63.832 tấn, tỷ lệ giám sát đạt 34% so với tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh (trong đó sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá: 13.658 tấn, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua bến cá tư nhân: 50.174 tấn).
Tỉnh Nghệ An cũng đã kích hoạt được 87,52% tài khoản eCDT cho các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá tham gia khai thác thủy sản (trong đó đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã kích hoạt được 926/1.058 tài khoản), thực hiện được 2.197 lượt làm thủ tục rời cảng; 1.830 lượt làm thủ tục cập cảng.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, nhằm thực hiện việc đăng ký cho tàu cá "3 không" theo quy định của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành Quyết định số 2115/QĐ-UBND ngày 30/8/2024.
Theo đó, công bố danh sách tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng cho trước ngày 06/5/2024 (quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2024 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đang hoạt động không đủ thành phần hồ sơ được đăng ký theo quy định tại các Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 6 Điều 21 Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh có 2.156 tàu cá “3 không” được đăng ký. Tuy nhiên, một số tàu bị hư hỏng, chủ tàu không còn nhu cầu đăng ký do đó số tàu cần phải thực hiện đăng ký theo quy định tại các địa phương chỉ còn 2.042 chiếc.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) thực hiện đăng ký tàu cá đối với các tàu cá đủ điều kiện, trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện cần bổ sung, trả lại phải nêu rõ lý do theo quy định. Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã ven biển gồm Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh cũng đốc thúc, chỉ đạo các xã/phường/thị trấn hướng dẫn người dân làm các thủ tục hồ sơ để đăng ký, nộp hồ sơ đăng ký trên cổng dịch vụ công tỉnh; phối hợp với các chi cục thuế trên địa bàn hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục về thuế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tính đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 2.037/2.042 tàu cá “3 không” đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá do Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cấp và nhập dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (VNFISHBASE). Trong đó, huyện Nghi Xuân đã đăng ký được 315 tàu cá, Lộc Hà 98 tàu cá, Thạch Hà 532 tàu cá, Cẩm Xuyên 213 tàu cá, Kỳ Anh 291 tàu cá, TX Kỳ Anh 589 tàu cá.
Để đảm bảo công tác quản lý, giám sát tàu cá, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo sau khi đã được đăng ký, các chủ tàu cần tiếp tục thực hiện việc đánh dấu, kẻ vẽ biển số theo quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 18/11/2018 của Bộ NN&PTNT về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá; trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải, an toàn cho tàu cá theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ NN&PTNT về sửa đổi, bổ sung một số thông tư trong lĩnh vực thủy sản; hoàn thiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác thủy sản.
"Tại Nghệ An, công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU đã được tăng cường, quyết liệt hơn trước, đặc biệt là đối với việc xử lý các hành vi liên quan đến VMS. Theo đó, trong năm 2024, tỉnh này đã xử phạt 272 đối tượng với tổng số tiền phạt lên đến 5 tỷ đồng. Còn tại Hà Tĩnh, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 136 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện và xử lý 41 vụ/43 tàu cá vi phạm các quy định về hoạt động khai thác thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 726 triệu đồng. Việc phối hợp, thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, các ngành phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt. Nhờ vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.