Biến đổi khí hậu

Phòng trừ sinh vật gây hại theo cách bảo vệ môi trường

Khánh Ly 19/12/2024 - 17:45

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho các loại sinh vật gây hại mới phát sinh, phát triển, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đã cho thấy hiệu quả tích cực khi vừa vừa phòng trừ được sinh vật gây hại, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường

Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM”, do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 19/12, tại TP. Cần Thơ.

anh-1.jpg
Quang cảnh Diễn đàn

Chương trình IPHM có mục tiêu tăng cường sức khỏe cây trồng; nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu có hơn 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa cảnh và cây dược liệu áp dụng IPHM. Có 70% diện tích ngô, cây công nghiệp áp dụng IPHM. Lượng thuốc BVTV hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường. Phấn đấu trên 90% số xã thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng...

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), các địa phương đã và đang triển khai thực hiện khá tốt Đề án IPHM, tiền thân là Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Dấu ấn của IPM là việc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc đã khuyến cáo việc không đốt rơm, nay được đẩy mạnh ứng dụng đối với "Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long". Bên cạnh đó, chương trình tham mưu để loại bỏ hoạt chất lân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại vốn để lại dư lượng cao cho nông sản, ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

anh-2(1).jpg
Lớp tâp huấn IPHM cho nông dân vụ hè thu - thu đông năm 2024

Đến nay, chương trình IPM đã trang bị kiến thức cho nông dân về đất khỏe, cung cấp dinh dưỡng cho đất, giảm phân bón, thuốc BVTV và sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý. Đến nay, khoảng 400.000 nông dân, 15.000 đại lý đã sử dụng hiệu quả thuốc BVTV sinh học. Khoảng 1.300 bể chứa thu hồi vỏ chai thuốc BVTV qua sử dụng đã được xây dựng. Cục BVTV cũng đang phối hợp với các hiệp hội, tổ chức để nhân rộng việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV sinh học trong thời gian tới.

Về thuốc bảo vệ thực vật, Chương trình IPHM khuyến khích chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học có độ độc thấp.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), có một thực tế là nông dân cho rằng thuốc BVTV có thể giải quyết mọi vấn đề của bảo vệ thực vật. Do lạm dụng, thiếu kiểm soát, dùng sai kỹ thuật, nhiều mặt tiêu cực của thuốc BVTV đã bộc lộ như: gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật máu nóng; gây mất sự cân bằng trong tự nhiên, làm suy giảm tính đa dạng của sinh quần, gây xuất hiện các loài sinh vật gây hại mới, tạo ra các sinh vật gây hạị chống thuốc...

z6144455431440_6c6b60df6d0728eb35aa5f49e3a2e08b.jpg
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Trong bối cảnh yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học ngày càng phổ biến hơn. Nông dân cần cân nhắc và sử dụng hài hòa giữa thuốc BVTV hóa học và sinh học nhằm vừa phòng trừ được sinh vật gây hại vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, đồng thời sử dụng thuốc BVTV dựa vào tình trạng sâu bệnh, điều kiện môi trường và khả năng tài chính của nông dân tại từng vùng. “Tùy loại cây trồng, loại sinh vật gây hại mà áp dụng thuốc BVTV 1 lần hoặc lớn hơn 1 lần trong vụ hay trong năm. Nhìn chung, số lần dùng thuốc BVTV càng ít, càng tốt” - ông Sơn nhấn mạnh.

TS. Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, ngành khuyến nông tỉnh đã tổ chức triển khai xây dựng, phổ biến và nhân rộng mô hình ứng dụng IPHM trong các chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay, Kiên Giang trao chứng nhận hữu cơ cho nhiều cơ sở, với tổng diện tích 1.229ha và sản lượng khoảng 3.116 tấn. Thực tế cho thấy, Chương trình đã phát huy hiệu quả tốt và phù hợp với định hướng nông nghiệp của tỉnh.

Về cơ hội ứng dụng phân bón sinh học nâng cao hiệu suất trong giảm phát thải carbon trong nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam cho biết, phân bón mới có thể giúp giảm 10% nitơ bón cho lúa và ngô hằng năm, từ đó có thể giảm lượng khí thải nhà kính phát ra từ đất.

Tại Diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp cùng các chuyên gia đã chia sẻ các ví dụ thực tiễn, kiến thức, kinh nghiệm nhằm xây dựng những giải pháp triển khai quản lý dịch hại tổng hợp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trọng tâm là chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, nhất là các vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV. Cùng với đó, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khánh Ly