Phát triển Xanh

Thay đổi thói quen tham gia giao thông: Sống xanh để được thở sạch

Hoàng Hiền 19/12/2024 10:34

(TN&MT) - Tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí phải kể đến đó là khí thải từ các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thực trạng đó đòi hỏi cần có sự thay đổi trong thói quen sử dụng phương tiện giao thông mà xe điện chính là một giải pháp.

Bụi, bụi mịn - kẻ thù vô hình luôn hiện hữu

Những ngày cuối tháng 10, TP.HCM luôn trong tình trạng mờ mịt như sương mù từ sáng đến chiều. Nhìn từ xa, nhiều tuyến đường, tòa nhà cao tầng như chìm trong làn sương mờ ảo. Đây là hiện tượng ô nhiễm không khí vốn không xa lạ với người dân thành phố vào thời điểm cuối năm và tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ.

Không chỉ riêng TP. HCM, bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội và các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng luôn vượt quy chuẩn từ năm 2019 đến nay (theo Iqair.com), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đáng chú ý, năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó 3 đợt tháng 1 - 4 và một đợt vào đầu tháng 10.

Tuy khó có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường do kích thước của bụi mịn rất nhỏ (được tính theo đơn vị micromet), nhưng với mức độ ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, tần suất xuất hiện và mật độ của bụi, bụi mịn ngày càng đáng báo động.

de-bao-ve-suc-khoe-cua-ban-than-khoi-o-nhiem-khong-khi-nhieu-nguoi-da-phai-deo-khau-trang-chum-kin-mat-khi-tham-gia-giao-thong.jpg
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân khỏi ô nhiễm không khí, nhiều người đã phải đeo khẩu trang, chùm kín mặt khi tham gia giao thông

Khoa học đã chứng minh, những hạt bụi mịn rất dễ xâm nhập sâu vào phổi, gây ra hàng loạt vấn đề về đường hô hấp như ho, khò khè, thậm chí là những căn bệnh nghiêm trọng hơn như viêm phế quản, hen suyễn hay ung thư phổi. Nguy hiểm hơn, các hạt bụi mịn còn có khả năng đi vào máu, gây tổn thương tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim mạch khác.

Không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tim mạch, bụi mịn còn gây ra nhiều tác động tiêu cực khác đến sức khỏe con người. Nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn có thể làm suy giảm chức năng não, tăng nguy cơ mắc các bệnh thần kinh, và thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trẻ em, người già và những người có bệnh nền là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tác hại của bụi mịn.

Nguồn gốc của bụi mịn đa dạng, từ các hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cho đến các hiện tượng tự nhiên như cháy rừng, núi lửa phun trào. Khói thải từ các nhà máy, khí xả từ động cơ xe, bụi từ công trường xây dựng... đều là những nguồn phát thải bụi mịn lớn. Tại những đô thị, thành phố lớn, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bụi, bụi mịn được cho là do các phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Giao thông xanh cho không khí trong lành

Để giảm thiểu tác hại của bụi mịn, cần có những giải pháp đồng bộ từ cá nhân đến cộng đồng, trong đó, giao thông xanh với những phương tiện sử dụng năng lượng sạch như điện, khí sinh học được coi là một giải pháp hiệu quả. Không chỉ giúp giảm thiểu lượng khí thải độc hại ra môi trường, những phương tiện “xanh” còn góp phần tạo ra một không gian sống trong lành, yên tĩnh.

Việc sử dụng xe điện, xe đạp, phương tiện công cộng điện hóa và khuyến khích đi bộ là những giải pháp thiết thực để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thuận tiện cũng là một yếu tố quan trọng để khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân.

Chuyển đổi sang giao thông xanh không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Việc giảm thiểu chi phí nhiên liệu, bảo trì và sửa chữa phương tiện sẽ giúp tiết kiệm chi tiêu cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đồng thời, việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất xe điện và các phương tiện giao thông xanh sẽ tạo ra nhiều việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh không phải dễ dàng. Nó đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực.

Với mục tiêu tiến gần tới xanh hóa trong ngành giao thông, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP. Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến 2035, trong đó có các chương trình ưu tiên hành động như rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; giảm phát thải từ các nguồn chính từ giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp.

xe-dien.jpg
Loại hình giao thông công cộng chạy bằng điện được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm áp lực giao thông và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường

Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, TP. Hà Nội đang quyết tâm thực hiện giao thông xanh bằng việc dự kiến chi 43.000 tỉ đồng từ nay đến 2030 để đầu tư xe buýt xanh.

Không nằm ngoài con đường xanh hóa ngành giao thông, mới đây tại tỉnh Bắc Ninh, nhiều trạm sạc nhượng quyền V-GREEN đã được lắp đặt nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình phủ xanh trạm sạc. Hiện mô hình trạm sạc nhượng quyền đang được V-GREEN đẩy mạnh triển khai trên toàn quốc. Đây được coi như bước phát triển đột phá về hạ tầng giao thông xanh, tạo điều kiện để loại hình giao thông sạc điện phát triển nhanh chóng.

Bên cạnh những thay đổi lớn mang tính địa phương, các doanh nghiệp cũng đang “chuyển mình” theo hướng bền vững, xanh hóa. Đơn cử như Tập đoàn Vietravel đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Vingroup nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi xanh trong kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nhằm thúc đẩy du lịch và di chuyển thân thiện với môi trường, mang tới cho du khách những trải nghiệm xanh và kiến tạo cuộc sống bền vững; Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo thông qua hệ thống điện mặt trời áp mái…

Từ đó có thể thấy, chuyển đổi sang giao thông xanh là một giải pháp tối ưu để bảo vệ sức khỏe con người, đem đến môi trường xanh và lành để thế hệ hôm nay và tương lai được hít thở một bầu không khí sạch.

Hoàng Hiền