Khai thác tài nguyên bản địa để tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản
(TN&MT) - Tận dụng tài nguyên bản địa, những sản phẩm chỉ nuôi, trồng, phát triển ở Việt Nam để tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản trên thị trường xuất khẩu.
Nội dung này được ông Nguyễn Phạm Hà Minh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) chia sẻ tại tọa đàm “Tiền MeKong conect 2024 - Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế” tại TP.HCM chiều 13/12.
Theo ông Hà Minh, Việt Nam khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc về năng lực sản xuất nông sản hay giá cả. không có năng lực sản xuất như Trung Quốc. Chúng ta cũng không cạnh tranh với Trung Quốc bằng giá rẻ. Do đó, muốn cạnh tranh được, chúng ta phải dựa vào những sản phẩm chỉ nuôi, trồng, phát triển tại Việt Nam. Điển hình như trái sầu riêng Việt Nam là một minh chứng.
“Chỉ có khí hậu, thổ nhưỡng tại Việt Nam mới có thể trồng được trái sầu riêng ngon như vậy. Trung Quốc có muốn bắt chước cũng không được. Ngoài trái sầu riêng, trái dừa Bến Tre cũng là một loại quả đặc sản, mang đậm bản sắc Việt Nam, có tiềm năng rất lớn để phát triển”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Huy – Giám đốc dịch vụ đảm bảo kinh doanh và thực phẩm, Công ty tiêu chuẩn toàn cầu INTERTEK, cho rằng để nông sản có thể xuất khẩu bền vững thì cần những doanh nghiệp dẫn đầu để kết nối các hợp tác xã, người nông dân. Để làm được điều này thì phải giải quyết hai thách thức chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là bắt buộc. Sản phẩm nông sản phải đáp ứng được các tiêu chuẩn trên toàn cầu, từ việc theo dõi vùng trồng đến nhà máy chế biến.
“Các doanh nghiệp dẫn đầu phải nói với các nhà mua hàng ở châu Âu, Bắc Mỹ xem mình bền vững như thế nào? Trong đó, ngoài những tiêu chuẩn đến môi trường xã hội, hướng về quản trị như thế nào cũng rất quan trọng trong đó có việc phân phối các giá trị đến từng người nông dân”, ông Nguyễn Huy nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, Th.S Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group nhấn mạnh, mặc dù nông sản Việt Nam có nhiều lợi thế về phát triển tài nguyên bản địa. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong các mặt hàng nông sản đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo ông Phú, hiện nay, nhiều tổ chức sau khi được cấp mã số vùng trồng đã vi phạm quy định bằng cách bán lại hoặc cho thuê, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Thậm chí, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, dẫn đến việc vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu mà còn khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường kiểm soát hoặc đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân và doanh nghiệp chân chính.
Việc gian lận này đang đe dọa uy tín quốc gia, làm giảm niềm tin của đối tác quốc tế và cản trở việc mở rộng thị trường. Để khắc phục, cần xây dựng hệ thống số hóa để quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chặt chẽ từ sản xuất đến xuất khẩu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi gian lận và tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức cho nông dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu quốc gia.
“Chỉ khi các biện pháp giám sát và quản lý được thực hiện đồng bộ, xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu nông sản mới có thể khai thác hiệu quả tiềm năng tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU… đảm bảo vị thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai”, ông Phú nhấn mạnh.