Môi trường

Sơn La: Chủ động ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại

Nguyễn Nga 12/12/2024 - 17:13

(TN&MT) - Thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 về tăng cường công tác quản lý và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, Sở TN&MT Sơn La đã quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức các cấp, các ngành về quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, thời gian qua, công tác kiểm soát loài ngoại lai xâm hại đã và đang được thực hiện tốt. Qua nắm bắt thị trường, Sở không phát hiện các vụ việc kinh doanh, buôn bán, nuôi trồng loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và trên không gian mạng.

z5878753585286_11878b9607fd1e7bd14bd7166bd44c23(1).jpg
Sơn La chủ động ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp

Việc kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại như ốc bươu vàng, cỏ lào, trinh nữ móc, trinh nữ thân gỗ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đã được thực hiện kịp thời. Trên địa bàn tỉnh không phát hiện sự có mặt của 4 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm, gồm: Nấm gây bệnh thối rễ, Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch ở chuột và động vật, Vi-rút gây bệnh chùn ngọn chuối, Vi-rút gây bệnh cúm gia cầm.

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tuyên truyền về việc không nhập khẩu, kinh doanh, nuôi trồng, phát triển, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thông qua quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã dành thời lượng tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; cách nhận dạng các loài ngoại lai xâm hại

Các đơn vị truyền thông đã giới thiệu các tác hại của sinh vật ngoại lai xâm hại và các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát, diệt trừ, đặc biệt là 15/19 loài sinh vật ngoại lai xâm hại và 11/61 loài sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn tỉnh; giới thiệu quy trình, mô hình diệt trừ một số loài ngoại lai xâm hại có sự tham gia của cộng đồng; tuyên truyền về công tác phối hợp và vai trò của các bên liên quan trong quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại; các mô hình và kinh nghiệm quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại; tuyên truyền về tình hình, diễn biến xâm nhập của các sinh vật ngoại lai…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên ban hành Công văn về việc chủ động phòng chống sinh vật hại cây trồng dịp lễ, tết; tăng cường điều tra, phát hiện sinh vật gây hại, chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa…; Hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị trường học tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch của UBND tỉnh về tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; lồng ghép trong các môn học có liên quan, tổ chức các hoạt động ngoại khóa về các nội dung ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố đã chủ động theo dõi, nắm bắt sự phát triển của các loài ngoại lai xâm hại để tổ chức cô lập, diệt trừ; Tiếp tục theo dõi các loài ngoại lai hiện đang tồn tại trên địa bàn huyện Vân Hồ, Sốp Cộp như: ốc bươu vàng, châu chấu lưng vàng, cá chim trắng, cá rô phi thường và cá rô phi vằn, cây cỏ lào, cây trinh nữ; có biện pháp phòng trừ, kiểm soát, tiêu diệt thích hợp.

z6123401527818_de67de35a3b40e88b4144bd5b9c42b99.jpg
Danh mục các loài ngoại lai xâm hại và cách thức xâm lấn trên địa bàn tỉnh.

Song song công tác tuyên tuyền, Sở TN&MT đã hoàn thành nhiệm vụ điều tra, đánh giá sinh vật ngoại lại xâm hại trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm nhiệm vụ đã được bàn giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo làm tài liệu học tập và giảng dạy.

Đồng thời, Sở TNMT đã xây dựng, ban hành trên 6.000 cuốn sổ tay tuyên truyền về các loài ngoại lai xâm hại; tham mưu ban hành Công văn số 2641/UBND-KT ngày 20/6/2024 của UBND tỉnh về tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 3/5/2024 triển khai Chiến lược quốc gia Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Nội dung của Kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ: Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên Thuận Châu, Sốp Cộp, Tà Xùa, Xuân Nha, Mường La; thực hiện điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên định kỳ 5 năm một lần; tăng cường bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm; điều tra, kiểm kê, thống kê, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định tại Quyết định 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ….

Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan trong công tác ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để kiểm soát, diệt trừ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; xác định con đường lây lan của các loài ngoại lai xâm hại do tác động của biến đổi khí hậu để kiểm soát, diệt trừ kịp thời, hiệu quả.

Trong thời gian tới, Sở TNMT cho rằng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của sinh vật ngoại lai xâm hại, chủ động hướng dẫn các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa có hiệu quả, nhằm mục tiêu không thực hiện nhập khẩu, nhân nuôi, phát tán sinh vật ngoại lai ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Nguyễn Nga