Doanh nghiệp - doanh nhân

Sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo xu thế bền vững

PV 12/12/2024 - 16:00

Không chỉ chú trọng vào dòng gạo chất lượng cao, kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; canh tác lúa gạo hiện nay cũng quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chí bền vững nhằm giảm phát thải, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Liên tục có đơn hàng xuất khẩu nhờ gạo chất lượng cao

Tập đoàn Tân Long là doanh nghiệp đã nhiều lần xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính với nhiều yêu cầu kiểm định khắt khe về chất lượng như châu Úc, châu Âu; bên cạnh các thị trường truyền thống khác như Philippines, Malaysia, châu Phi, châu Đại dương…

Tháng 6/2022, Gạo A AN là thương hiệu gạo Việt Nam đầu tiên xuất khẩu thành công sang Nhật Bản. Đến tháng 10/2024, A AN tiếp tục đưa dòng gạo Japonica vào Nhật Bản. Với những hợp đồng đang ký giao hàng từ nay đến cuối năm, dự kiến sản lượng xuất đi sẽ lên hơn 6.000 tấn và những đơn chuẩn bị cho năm 2025 là hơn 10.000 tấn.

h3.jpg
Gạo A AN 2 lần liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, là thương hiệu gạo Việt Nam đầu tiên và duy nhất hiện nay xuất khẩu thành công sang Nhật Bản

Thành công của A AN không chỉ nằm ở gia tăng sản lượng, mà còn ở chỗ trước đây loại gạo được xuất khẩu là ST25 - phục vụ chủ yếu cho cộng đồng người Việt. Còn hiện nay, với sản phẩm Japonica, A AN đang phục vụ cho cả người Nhật và các cộng đồng người nước ngoài khác đang sinh sống tại Nhật. Để làm được điều này, gạo A AN phải được kiểm soát trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo từ việc lựa chọn các vùng nguyên liệu, giám sát quá trình canh tác theo yêu cầu, đảm bảo thời gian xử lý lúa tươi từ thu hoạch trên cánh đồng về nhà máy trong “thời gian vàng” từ 6-8 tiếng, bảo ôn lúa trong silo trữ lạnh để bảo quản trọn vẹn phẩm chất hạt lúa, xử lý chế biến và đóng gói gạo thành phẩm trên những dây chuyền hiện đại và liên tục kiểm soát nghiêm ngặt để chọn lọc gạo thành phẩm đạt chất lượng…

Cũng trong năm 2024, thương hiệu gạo A AN cũng được công nhận là Hàng Việt Nam chất lượng cao và Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Canh tác lúa gạo giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu

Lễ công bố THQG năm 2024 được tổ chức với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh”. “Kỷ nguyên xanh” được thiết lập trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao năm 2045 và giảm phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế xanh được thể hiện thông qua các cam kết về phát triển xanh, phát triển bền vững trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… Điều này đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng các thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, ngành và doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững, đáp ứng xu hướng thị trường thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ.

h1.jpg
Đối tác Nhật Bản tham quan cánh đồng liên kết sản xuất gạo Japonica

Phát biểu tại Lễ công bố và vinh danh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, thế giới đang chuyển dần từ mô hình kinh tế tiêu thụ tài nguyên truyền thống sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Không nằm ngoài xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt với khả năng sáng tạo của mình có thể tận dụng cơ hội này để vươn lên, đóng vai trò tích cực trong sự chuyển dịch toàn cầu. "Chúng ta cần hiểu rõ rằng thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh”, Thủ tướng nêu rõ.

Ngày 9/8/2024, Văn phòng SPS VN (Bộ NN-PTNT) cho biết Liên minh Châu Âu (EU) muốn siết chặt hơn nữa chất lượng nông sản nhập khẩu vào khu vực này bằng cách bổ sung 2 hoạt chất mới vào diện kiểm soát dư lượng tối đa và điều chỉnh 2 hoạt chất khác theo hướng ngặt nghèo hơn; dự kiến sẽ được áp dụng vào tháng 2/2025. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội đối với các doanh nghiệp ý thức được xu hướng sản xuất xanh, tạo nên sản phẩm sạch – an toàn như Tân Long.

Luôn đề cao cao các vấn đề về an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững – đó chắc chắn không chỉ là yêu cầu từ EU hay các thị trường khó tính, mà chắc chắn sẽ là xu thế sản xuất và tiêu dùng trong tương lai. "Sản phẩm của chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn vào thị trường Nhật Bản được xem là khó tính nhất thế giới thì không có lo lắng gì với những quy định chất lượng của thị trường EU. Ngược lại, việc EU siết các tiêu chuẩn chất lượng này có ý nghĩa với người tiêu dùng, người sản xuất và cả cho môi trường. Vì nó buộc các nhà sản xuất từ doanh nghiệp tới nông dân phải cùng nhau thay đổi tư duy sản xuất một cách bài bản vì những ý nghĩa lớn lao hơn - sống an toàn, nói không với tồn dư vi lượng hóa chất"; Lãnh đạo Tập đoàn Tân Long chia sẻ.

Tăng tính cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu nhờ gạo chất lượng cao

Tập đoàn Tân Long là 1 trong số 10 doanh nghiệp được lựa chọn để thực hiện liên kết với các HTX và nông dân tại 03 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp trong dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL” (TRVC). Dự án TRVC huy động, tạo động lực để thu hút các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia liên kết sản xuất lúa phát thải thấp với các mục tiêu cụ thể: Giảm 20-30% phân bón và thuốc trừ sâu hóa học; giảm 20-40% lượng nước tiêu thụ; giảm 200.000 tấn CO2e; đảm bảo ít nhất 30% lợi nhuận cho nông dân. Đặc biệt, kết quả của dự án sẽ đóng góp trực tiếp việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Tham gia vào dự án, Tân Long sẽ dần mở rộng các vùng nguyên liệu canh tác lúa gạo chất lượng cao; đồng thời với nâng cao năng lực xử lý sau thu hoạch và toàn bộ quy trình nhập, sấy, xay, sản xuất, đóng túi gạo tại nhà máy. Hiện nay, Tân Long cũng đang sở hữu hệ thống nhiều Nhà máy gạo tại ĐBSCL, trong đó có Nhà máy gạo Hạnh Phúc (An Giang) quy mô lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Tân Long còn hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) để nâng cao tính bền vững trong sản xuất lúa gạo, giảm phát thải nhà kính, nâng cao thu nhập cho nông dân; tạo nên sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cao.

Mục tiêu trong 10 năm tiếp theo của ngành lúa gạo Tập đoàn sẽ đạt sản lượng tiêu thụ 5 triệu tấn lúa; đưa tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 8% và giảm phát thải nhà kính trên 10% so với các hình thức canh tác truyền thống tại các vùng chuyên canh; giảm chi phí sản xuất từ 10-15%. Đồng thời, công ty cũng có nhiều hoạt động liên kết và hỗ trợ người nông dân trong việc nâng cao kỹ năng canh tác, áp dụng các mô hình sản xuất bền vững, giúp họ gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Điều này không chỉ giúp nâng tầm thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Đây là những lợi thế giúp công ty ngày càng tiệm cận với xu thế tiêu thụ của thế giới khi không chỉ đảm bảo tăng tính cạnh tranh bằng chất lượng mà còn hướng đến phát triển xanh và bền vững; sản xuất gạo thơm đáp ứng tốt thị hiếu của các thị trường lớn.

PV