Điện Biên: Khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên cát
(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Điện Biên xác định công tác quản lý hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt đối với nguồn tài nguyên cát làm vật liệu xây dựng phục vụ cho nhu cầu xã hội tại địa phương.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên.
PV: Thưa ông, để bảo vệ, quản lý khai thác tài nguyên cát tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, tỉnh Điện Biên đã có những giải pháp, chính sách nào?
Ông Phạm Đức Toàn: Để bảo vệ, quản lý khai thác tài nguyên cát tiết kiệm, hiệu quả, tỉnh Điện Biên đã tập trung chỉ đạo yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và nhân dân sử dụng tiết kiệm, hợp lý vật liệu cát tự nhiên phục vụ trong hoạt động xây dựng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Qua đó đã góp phần ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Điện Biên đã tổ chức đấu giá thành công 15 điểm mỏ cát sỏi, trong đó: có 10 mỏ đã được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng khai thác trên 893 nghìn m3; 1 mỏ đã phê duyệt trữ lượng, đang hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác; 2 mỏ đang thực hiện thăm dò và 2 mỏ đang lập đề án thăm dò; đồng thời, đã ban hành 2 bản xác nhận cho phép thu hồi cát trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy điện với tổng trữ lượng trên 113 nghìn m3, công suất khai thác trên 14 nghìn m3.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất cát nhân tạo (nghiền từ đá, sỏi) để thay thế cát tự nhiên.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị đã đầu tư dây chuyền chế biến cát nghiền nhân tạo từ đá tại huyện Điện Biên và huyện Mường Ảng với năng lực sản xuất, tiêu thụ trong 10 tháng năm 2024 đạt khoảng 50.000 m3.
PV: Thực tế hiện nay, nguồn cung tài nguyên cát tại Điện Biên không đáp ứng đủ cầu, làm chậm tiến độ một số dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Xin ông cho biết, trước thực trạng đó, tỉnh có những giải pháp nào nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn cát phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
Ông Phạm Đức Toàn: Sau khi nhận được phản ánh của một số tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí về việc khan hiếm, thiếu hụt cục bộ nguồn cung cấp cát làm vật liệu xây dựng, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản chỉ đạo số 5036/UBND-KT, ngày 7/11/2024 về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát làm vật liệu xây dựng và Thông báo Kết luận số 5201/TB-UBND, ngày 18/11/2024, chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp như:
Hướng dẫn các chủ mỏ đang khai thác khẩn trương điều chỉnh tăng công suất khai thác để bổ sung nguồn cung cấp cát xây dựng. Đôn đốc các tổ chức, đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc phát hiện có khoáng sản trong phạm vi công trình, dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục, điều kiện cần thiết để sớm đưa vào khai thác. Phấn đấu trong tháng 12/2024 có thêm 7 mỏ cát đã cấp phép khai thác hoàn tất các thủ tục, điều kiện để tiến hành khai thác cung cấp cát xây dựng cho thị trường từ đầu năm 2025 với tổng công suất trên 149 nghìn m3.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư trong quá trình khảo sát, thiết kế các công trình, dự án, chủ động nghiên cứu lựa chọn sử dụng vật liệu cát nhân tạo (cát nghiền) thay thế cát tự nhiên trong bê tông, vữa xây dựng, nhất là vật liệu san lấp. Khảo sát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chủ động liên hệ, tìm kiếm sử dụng nguồn vật liệu xây dựng từ các địa bàn giáp ranh của các tỉnh lân cận Lai Châu, Sơn La.
PV: Để tăng cường việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và tài nguyên cát nói riêng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Phạm Đức Toàn: Thời gian tới, UBND tỉnh Điện Biên tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền các cấp tập trung, chủ động nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản mới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản để tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản hiện có trên địa bàn (đặc biệt là khoáng sản cát).
Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn tại địa phương. Các cơ quan, ban ngành, đơn vị chủ đầu tư chủ động phối hợp rà soát, xác định nhu cầu sử dụng vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình để có kế hoạch cung cấp đầy đủ, kịp thời.
Đồng thời, tăng cường đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, sớm đưa các mỏ khoáng sản trúng đấu giá vào khai thác, cung cấp, bổ sung nguồn vật liệu phục vụ hoạt động thi công xây dựng công trình...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!