Môi trường

Huy động tài chính cho thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Minh Hạnh 12/12/2024 - 13:40

“Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực thi” là chủ đề hội thảo do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) của Việt Nam, đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp tài chính thiết thực và khả thi trong bối cảnh Phiên đàm phán Liên chính phủ lần thứ năm (INC-5) về Thỏa thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa vừa kết thúc. Các nội dung chính tập trung vào đổi mới chính sách, cơ hội đầu tư xanh và xây dựng cơ chế tài chính bền vững, hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam. Sự kiện cũng đóng góp vào việc chuẩn bị cho Việt Nam triển khai Thỏa thuận Toàn cầu cũng như xây dựng các đề xuất có thể lồng ghép vào kế hoạch quốc gia phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Cần các công cụ tài chính để giải quyết ô nhiễm nhựa

Theo Báo cáo Kịch bản chính sách nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đến năm 2040 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc chấm dứt ô nhiễm nhựa đòi hỏi sự huy động nguồn tài chính lớn, nhu cầu đầu tư toàn cầu để quản lý chất thải nhựa được dự báo sẽ đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ 2020 đến 2040.

TS. Muthukumara S. Mani, Chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường và biến đổi khí hậu vùng Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết, các cuộc đàm phán của Uỷ ban liên chính phủ (INC-5) tại Busan cuối tháng 11 vừa qua đã nêu bật một vấn đề quan trọng: Đó là nhu cầu về các cơ chế tài chính hiệu quả để hỗ trợ hành động toàn cầu.

Trên toàn cầu, tình trạng thiếu hụt tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn dự kiến ​​sẽ dao động từ 426 tỷ USD đến 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2040.

Riêng với Việt Nam, khoảng cách tài chính này lần lượt được ước tính ở mức 28–40 USD/tấn nhựa thu gom và 24–40 USD/tấn nhựa tái chế. Để vượt qua thách thức này, việc tìm ra các cơ chế tài chính sáng tạo là điều cần thiết.

TS. Muthukumara S. Mani cho rằng, các giải pháp hiệu quả hiện nay đã được đưa ra bao gồm trái phiếu dựa trên kết quả, tín chỉ nhựa và quan hệ đối tác công tư để huy động nguồn vốn chuyển đổi các hệ thống quản lý chất thải.

cdc01120.jpg
TS. Muthukumara S. Mani, Chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường và biến đổi khí hậu vùng Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới, phát biểu tại hội thảo.

“Trong vai trò của mình, Ngân hàng Thế giới đang tích cực hỗ trợ chương trình nghị sự này thông qua các sáng kiến ​​như Chương trình khu vực Đông Nam Á về chống rác thải nhựa trên biển (SEA-MaP) và các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, trái phiếu xanh lá cây và trái phiếu liên kết giảm thiểu nhựa. Những sáng kiến ​​này chứng minh cách tài trợ có mục tiêu có thể mang lại lợi ích kinh tế và môi trường hữu hình”, ông Mani nhấn mạnh.

Hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa

Phát biểu hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cho biết: Trong nỗ lực nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa, những năm qua, các cơ quan chính phủ Việt Nam, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp triển khai các chương trình, dự án nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa.

Qua đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa và từng bước cải thiện hình ảnh quốc gia, đưa tên ra khỏi danh sách các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới.

cdc01072.jpg
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, phát biểu khai mạc hội thảo.

Để tiếp tục thực hiện quyết tâm giảm thiểu ô nhiễm nhựa, Việt Nam cần tìm kiếm các công cụ tài chính để giải quyết ô nhiễm nhựa, tạo động lực cho các sáng kiến sáng tạo, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa, phát triển kinh tế xanh, bao trùm và bền vững.

Qua đó, khuyến nghị triển khai các giải pháp tài chính cho vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, đảm bảo thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, cũng như các định chế tài chính, đảm bảo nguồn lực thực thi cho các hoạt động này.

Nói về những nỗ lực của Việt Nam, ông Patrick Haverman, phó đại diện thường trú UNDP, đánh giá: Việt Nam đã chủ động giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và nền kinh tế tuần hoàn mang đến cơ hội quan trọng để phát huy tiến trình này. Việc chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam vượt qua các hoạt động không bền vững, nâng cao năng suất và thúc đẩy khả năng cạnh tranh.

Chỉ hai ngày trước, Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 đã nêu bật cam kết của quốc gia đối với nền kinh tế tuần hoàn, trong đó nhựa được xác định là một lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy hành động về nhựa trong khuôn khổ nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính đáng kể. Tính đến đầu năm 2024, tín dụng xanh chưa thanh toán chỉ chiếm 4,5% tổng tín dụng ngân hàng tại Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước, 2024).

cdc01157.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Để kích thích tài trợ bền vững cho các sáng kiến ​​liên quan đến nhựa, điều cần thiết là phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện bằng cách thiết lập các hướng dẫn rõ ràng, tăng cường khuôn khổ pháp lý, đưa ra các ưu đãi hỗ trợ và tăng cường quan hệ đối tác quốc tế để mở ra các cơ hội tài trợ đa dạng và thúc đẩy đổi mới trong các giải pháp tuần hoàn.

Theo đó, các đại biểu kỳ vọng, tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ cùng nhau trao đổi về các công cụ tài chính khả thi, có thể giúp Việt Nam huy động nguồn vốn cho thoả thuận toàn cầu về nhựa.

cdc01424.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về các khung chính sách, nguồn lực tài chính và cơ hội đầu tư xanh.

Các kết quả thảo luận và khuyến nghị của Hội thảo sẽ được trình bày tại Cuộc họp lần thứ 5 của Nhóm công tác trin khai Chương trnh NPAP, nhằm đưa ra đề xuất thúc đẩy tài chính bền vững trong triển khai các sáng kiến, hoạt động giảm ô nhiễm nhựa và trong quá trình xây dựng kế hoạch chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế tuần hoàn.

Khi thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa được thông qua và có hiệu lực, Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác trên hành trình giảm nhựa, cần đảm bảo nguồn tài chính bền vững để thực hiện hiệu quả những cam kết đã đề ra.

Minh Hạnh