Cần xây dựng các tiêu chí đánh giá Vườn Di sản ASEAN
(TN&MT) - Ngày 12/12, Hội thảo "Đánh giá mức độ phù hợp tiêu chí Vườn Di sản của ASEAN trong bối cảnh mới" do Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức.
Hội thảo hướng tới mục tiêu đánh giá lại tiêu chí của Vườn di sản ASEAN và là cơ hội để các chuyên gia và nhà quản lý thảo luận về cách thức nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển các khu vực được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Hội thảo tập trung vào thảo luận các nhóm nội dung chính bao gồm: Giới thiệu yêu cầu về vận hành Vườn di sản ASEAN của khu vực; Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ đề cử Danh hiệu Vườn di sản ASEAN nói chung và của Vườn quốc gia Xuân Thủy; Hệ thống thông tin đa dạng sinh học quốc gia: Hiện trạng quản lý, khai thác, chia sẻ và một số định hướng trong thời gian tiếp theo.
Phát biểu khai mạc, TS. Bùi Đức Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã có 12 Vườn di sản ASEAN.
Tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được đề ra trong Chiến lược là mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên bảo đảm đạt được chỉ tiêu cơ bản, trong đó chỉ tiêu về các khu vực tự nhiên được quốc tế công nhận là 15 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar), 14 khu dự trữ sinh quyển, 15 vườn di sản ASEAN.
Trong năm 2024, Vụ Hợp tác quốc tế, (thường trực Văn phòng Tổ chức quan chức cấp cao ASEAN về môi trường (ASOEN)), được Bộ TN&MT giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Nhiệm vụ "Kết nối các Vườn di sản ASEAN (AHP) của Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 theo chương trình hành động quốc gia về đa dạng sinh học".
Trong khuôn khổ của Nhiệm vụ này, một số hoạt động đã được triển khai như tổ chức 2 Hội thảo chuyên đề; tổ chức chuyến đi thực địa, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình, giải pháp quản lý Vườn di sản ASEAN bền vững tại Vườn quốc gia Côn Đảo; xây dựng 2 phóng sự truyền thông về mô hình, giải pháp hay trong việc quản lý bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học tại các Vườn di sản ASEAN,...
Các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức các cán bộ làm công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói chung và các nhà quản lý, cán bộ các Vườn di sản ASEAN Việt Nam, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên nói riêng về thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển bền vững; về định hướng, giải pháp về quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và các hệ sinh thái quan trọng tại các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam.
Giới thiệu yêu cầu về vận hành Vườn di sản ASEAN của khu vực, TS. Nguyễn Thành Vĩnh - Trưởng phòng Quản lý di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết, để được công nhận là Vườn di sản ASEAN, các khu bảo tồn thiên nhiên cần đáp ứng được 12 tiêu chí như: Các khu vực được bảo vệ có hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã nổi bật; có giá trị cảnh quan, văn hoá, giáo dục, nghiên cứu, giải trí và du lịch nổi bật; có tầm quan trọng bảo tồn các loài trong khu vực,...
Dựa trên tiêu chí của AHP (phân tích, đánh giá, tổng hợp), ông đưa ra Kế hoạch hành động khu vực AHP (2023 - 2030) nhằm duy trì tính toàn vẹn sinh thái của từng vườn đại diện cho các hệ sinh thái của khu vực ASEAN, nâng cao năng lực cho cán bộ AHP hướng tới quản lý hiệu quả các AHP thông qua sự hợp tác với cộng đồng địa phương và các đối tác tổ chức.
Theo đó, Kế hoạch thực hiện cần đạt được các mục tiêu chính về đảm bảo các hệ sinh thái ở Đông Nam Á được đại diện tốt trong mạng lưới Công viên Di sản ASEAN và phát triển các Vườn Di sản ASEAN được quản lý tốt, thiết kế tốt.
Nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Kế hoạch, TS. Nguyễn Thành Vĩnh đưa ra các yêu cầu vận hành AHP, trong đó có việc xác định và đánh giá hiệu quả hợp tác với các AHP khác, các tổ chức trong nước và quốc tế; xác định cơ chế tài chính cho AHP và rà soát kế hoạch, chương trình,... nhằm tăng cường thực hiện kế hoạch hành động AHP khu vực.
Cùng với đó, nội dung đánh giá hiện trạng AHP cần được cải thiện đáng kể về nhân sự, cơ sở hạ tầng như xây dựng các toà nhà và cơ sở thân thiện với đa dạng sinh học; các địa điểm trường học và trường đại học thử nghiệm sử dụng AHP,... Đồng thời, việc thực hiện AHP cũng sẽ giúp thu thập các dữ liệu theo dõi về sự sụt giảm đáng kể về quần thể các loài; sự phá huỷ nghiêm trọng vẻ đẹp tự nhiên hoặc phát triển công nghiệp, các công trình công cộng gây ô nhiễm,...
TS. Trần Đức Lương - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam đã trình bày một số kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ đề cử Danh hiệu Vườn di sản ASEAN. Theo đó, các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn,.. cần vượt qua việc đánh giá sơ bộ mức độ đáp ứng tiêu chí của đối tượng được lựa chọn, bao gồm các tiêu chí được khuyến nghị về tính toàn vẹn, tính tự nhiên, tính đại diện, tầm quan trọng bảo tồn cao, ý nghĩa dân tộc học cao và có tầm quan trọng đối với đa dạng sinh học và tính nguy cấp,...
Tiếp đến, cần phải xác định nội dung thực hiện trong việc rà soát, thu thập các dữ liệu, tài liệu và hồ sơ có liên quan đặc biệt là các dữ liệu đã được công bố ở tạp chí quốc tế có thẩm duyệt; lập dự toán và lên kế hoạch thực hiện,... Bên cạnh đó, không thể thiếu việc thu thập, bổ sung, hiệu chỉnh dữ liệu để minh chứng, làm rõ mức độ đạt được các tiêu chí thông qua khảo sát về diện tích, ranh giới, các hệ sinh thái đặc trưng, và kinh tế - xã hội, giá trị lịch sử,...
Sau cùng, các hồ sơ đề cử cần được lập rõ ràng theo Công văn số 1822/TCMT-BTĐDSH ngày 10/7/2017 và tham vấn, lấy ý kiến, góp ý từ cộng đồng từ các đơn vị chức năng đến các nhà khoa học, và các Bộ, ban, ngành có liên quan đóng góp cho Hồ sơ đề cử.
Hội thảo nhận được nhiều tham luận và trao đổi, đóng góp đến từ đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giảng viên và sinh viên các trường Đại học, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam,...