Doanh nghiệp - doanh nhân

Đồng Tháp: Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành nghề công nghệ cao và thân thiện với môi trường

Tiến Trung 10/12/2024 - 17:25

Ông Tào Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các ngành nghề ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Cũng theo ông Tài, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều chính sách đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Không chỉ chú trọng đến việc cải thiện cơ chế thu hút đầu tư mà còn đẩy mạnh phát triển hạ tầng và đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Với đặc thù của tỉnh, Đồng Tháp đã triển khai nhiều chính sách nhằm đầu tư vào hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Nghị quyết số 231 về Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

kcn.jpg
KCN sinh thái thân thiện với môi trường đang được ưu tiên khuyến khích

Bên cạnh đó, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030, với định hướng đến năm 2050, đặt mục tiêu phát triển thêm 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.180 ha và 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 866 ha. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên thu hút đầu tư, với các ngành nghề công nghệ cao, sạch, ít tốn năng lượng và mang lại giá trị gia tăng cao.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, Sở Công Thương Đồng Tháp sẽ tiếp tục đề nghị ngành ngân hàng tăng cường cung cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh hợp tác với các ngành liên quan để xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo kế hoạch, các trường trung cấp và cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh, nếu đủ năng lực, sẽ tham gia vào chương trình đào tạo theo yêu cầu. Tổng kinh phí thực hiện đề án được dự kiến là 7,92 tỷ đồng, huy động từ ngân sách Trung ương và địa phương.

Ngoài ra, Đồng Tháp cũng triển khai các chương trình khuyến khích doanh nghiệp cơ khí phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ công nhân kỹ thuật. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên đào tạo lao động cho các ngành có tiềm năng cao như chế biến, cơ khí, và chế tạo tự động hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường công nghiệp hỗ trợ.

Tiến Trung