Đất đai

Mường Chà (Điện Biên) bước chuyển mới trong quản lí đất đai

Trần Hương 10/12/2024 - 12:31

(TN&MT) - Một trong những giải pháp trọng tâm trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) luôn chú trọng công tác quy hoạch, quản lý đất đai gắn với nhiệm vụ giao đất, giao rừng. Đây là một trong những giải pháp bứt tốc nhằm số hóa đất đai, phục vụ cho công tác quản lý và phát triển kinh tế mang tính chiến lược của địa phương.

Hiện nay, huyện Mường Chà đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích là 22.350,33ha cho 4.418 hộ gia đình, cá nhân. Diện tích còn lại chưa lập hồ sơ giao đất là 7.503,6ha (tính đến thời điểm 01/10/2024).

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại từ nhiều năm qua. Một trong những vướng mắc lớn nhất trong việc rà soát, kiểm đếm, xác định mốc giới, tọa độ ngoài thực địa để làm cơ sở giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp là tình trạng chồng lấn diện tích giữa các hộ dân. Bên cạnh đó, còn có tình trạng người dân chuyển nhượng mua bán, tranh chấp giữa các hộ trong cùng một bản. Giữa bản này với bản kia, giữa địa phương này với địa phương khác.

2.jpeg
Huyện Mường Chà cơ bản đã thực hiện được nhiệm vụ rà soát và hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp.

Để đánh giá lại nhiệm vụ này, ông Lê Hồng Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, cho biết: Theo Kế hoạch 2783/KH-UBND, ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh Điện Biên, về việc rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhằm đáp ứng nhu cầu có đất, có rừng cho người yên tâm ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, công tác giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh và tập thể lãnh đạo huyện Mường Chà chỉ đạo quyết liệt trong nhiều năm qua.

Đến nay, công tác giao đất, giao rừng và cấp GCNQSD đất lâm nghiệp của huyện đã cơ bản, số diện tích còn lại trên 7.500ha của 533 hộ, huyện đã thực hiện xong việc đo đạc và đang tập trung tuyên truyền vận động để các hộ dân ký nhận lập hồ sơ giao đất, giao rừng và cấp GCNQSD từ nay đến hết tháng 12/2024.

Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng của Mường Chà chiếm tỷ lệ 44,01%, diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng của huyện còn khoảng 30.000ha.

1.3.jpg
Một góc huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên

Ông Tráng A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết thêm về lộ trình phát triển kinh tế lâm nghiệp trên diện tích đất chưa có rừng được huyện xác định trồng cây quế, trồng rừng sản xuất và điện sinh khối, dự kiến khoảng 16.000ha. Đây sẽ là một trong những phương án được đưa vào lộ trình phát triển trong thời gian tới của Mường Chà. Trước mắt, những vị trí đất dốc, nương thoải, đất có nguy cơ hoang hóa, đất sản xuất bạc màu huyện cũng đang tuyên truyền vận động người dân trồng những giống cây phù hợp và có kế hoạch cải tạo đất. Huyện sẽ có chính sách hỗ trợ người dân từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác để trồng các giống cây có giá trị kinh tế cao.

Mặc dù sắn tàu không phải là giống cây được huyện khuyến khích trồng, nhưng người dân đã tận dụng các vị trí đất trồng lúa nương, rau màu, ngô khoai kém hiệu quả để trồng sắn. Tổng diện tích sắn của toàn huyện khoảng 1.200ha. Những vị trí và diện tích đất này huyện sẽ tính toán để hướng dẫn người dân cải tạo trồng cây có giá trị kinh tế cao. – Ông Lử nói.

anh-1.jpeg
Người dân Mường Chà phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm huyện tuần tra bảo vệ rừng.

Xét trên bình diện tổng thể, hiện nay Mường Chà cơ bản đã thực hiện được nhiệm vụ rà soát lại và hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp. Đây là một trong những nhiệm vụ lớn phức tạp liên quan đến toàn bộ người dân đòi hỏi thời gian, tâm huyết sự tận tình của các nhà quản lý để tháo gỡ những khó khăn về thực trạng cấp đất, rừng chồng lấn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua.

Thực tế, diện tích đất lâm nghiệp của các huyện miền núi nói chung, huyện Mường Chà nói riêng luôn chiếm một tỷ lệ rất lớn so với tổng diện tích tự nhiên. Chỉ khi quy chủ được toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp huyện mới có cơ hội kêu gọi nhà đầu tư trồng rừng và các mô hình kinh tế lâm nghiệp khác. Bài toán giao đất, giao rừng và cấp GCNQSD đất lâm nghiệp đã được giải thì việc phát triển kinh tế lâm nghiệp theo mô hình kêu gọi đầu tư, HTX tập thể không còn là chuyện quá khó đối với huyện miền núi Mường Chà, Điện Biên.

Trần Hương