Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế: “Vận hội mới, sức bật mới khi Huế trực thuộc Trung ương”
(TN&MT) - Vào ngày 1/1/2025, TP. Huế sẽ chính thức trở thành thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương. Đây là dấu mốc lịch sử, tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước. PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
PV: Cảm xúc của Chủ tịch như thế nào khi Huế đứng trước “ngưỡng cửa” của sự đổi thay, phát triển mới?
Ông Nguyễn Văn Phương: Có thể nói, đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của nhân dân, các trí thức, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia, các Ban, Bộ ngành Trung ương; đã đầy đủ những căn cứ pháp lý, chính trị, thực tiễn và điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí để xây dựng Đề án với phương án mô hình đô thị nhằm sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính các cấp một cách hợp lý và đạt được sự đồng thuận cao.
Hành trình đã đến đích, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương, đây là thành quả có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế. Đây cũng là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh và nhân dân toàn tỉnh trong nhiều năm qua.
Tôi vô cùng phấn khởi, hạnh phúc và tự hào khi mục tiêu đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã thành hiện thực. Đây là một mốc son, là dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước, tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời, sẽ giúp Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Trong tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
PV: Các bước tiếp theo khi Huế chính thức trở thành trực thuộc Trung ương?
Ông Nguyễn Văn Phương: Tỉnh đã xây dựng một kế hoạch chi tiết để triển khai Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, như củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp; sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư; chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân...
Việc thành lập các quận, huyện mới, các xã, phường mới sẽ là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu tổ chức hành chính, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc sắp xếp nhân sự, cán bộ, viên chức sẽ phải được thực hiện một cách khoa học, minh bạch và công bằng để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý. Trong quá trình xây dựng Đề án, tỉnh đã nghiên cứu và đánh giá kỹ, có phương án, lộ trình sắp bộ máy, nhân sự, việc này sẽ được triển khai một cách đồng bộ và đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Phải nói là rất nhiều nội dung và công việc cần phải thực hiện, song song đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của người dân trong việc xây dựng và phát triển TP. Huế trực thuộc Trung ương.
PV: Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang có những khó khăn, thách thức nào còn tồn tại?
Ông Nguyễn Văn Phương: Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, một trong những thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hoà giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị. Huế là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử; là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”…; do đó, thách thức này luôn được quan tâm chú trọng để giải quyết thấu đáo, bền vững.
Một câu chuyện cụ thể là trong các cuộc họp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan liên quan, có rất nhiều ý kiến khác nhau về cách thức phát triển mà không làm tổn hại đến giá trị văn hóa của thành phố, có những đề xuất đầu tư dự án lớn, nhưng nhiều lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các di tích và cảnh quan môi trường. Vì vậy, Huế sẽ luôn đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa mặc dù điều này có ảnh hưởng làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TP. Huế cũng sẽ đối mặt với vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và khoa học công nghệ; cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, những nơi mà người dân chịu tác động bởi quá trình đô thị hóa.
Ngoài ra là việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, văn hóa cũng là một thách thức. Câu chuyện về Thừa Thiên - Huế không chỉ là việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn là hành trình tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững, nơi di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy trong sự phát triển hiện đại.
Với vị trí, vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh, tôi luôn ý thức trách nhiệm to lớn trước Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh; đây cũng là cơ hội và thách thức rất lớn đối với bản thân tôi. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp; đáp ứng niềm tin, mong muốn, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh nhà.
Trước những vận hội mới, bản thân tôi sẽ luôn cố gắng để nắm bắt khó khăn như một cơ hội và từng bước khắc phục, nhằm đưa Huế trở thành một thành phố không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn giàu về giá trị văn hóa, thể hiện được sự đoàn kết, sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân như một sự kế thừa của truyền thống lịch sử và hướng đến tương lai bền vững.
“Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức một sự kiện trang trọng công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, dự kiến vào cuối tháng 12 này tại Quảng trường Ngọ Môn, qua đó chia sẻ niềm vui, niềm tự hào, phấn khởi của nhân dân tỉnh nhà với cả nước
PV: Việc đảm bảo cân đối thu chi ngân sách đối với TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phương: Để giải quyết bài toán cân đối thu chi ngân sách và bảo tồn di sản, thu hút đầu tư dự án lớn trong bối cảnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã có những kế hoạch cơ bản. Theo đó, xây dựng quy hoạch phát triển bền vững: Ưu tiên phủ kín quy hoạch phân khu, tiếp tục triển khai đồng bộ quy hoạch chi tiết các khu vực phát triển nhằm nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong kêu gọi, thu hút đầu tư, trong đó xác định rõ các khu vực cần bảo tồn di sản và các khu vực có thể phát triển dự án; điều này giúp tránh xung đột giữa bảo tồn và phát triển.
Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối, tạo không gian phát triển mới; phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước. Nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô - Bạch Mã, đặc biệt là vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và Quần thể di tích Cố đô Huế...
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phát triển kinh tế và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, nhất là kinh tế biển, du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực để phát triển nhanh hơn, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng được đồng bộ và hiện đại, các chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư, góp phần đẩy mạnh nguồn thu ngân sách xứng tầm đô thị của quốc gia.
Có thể nói, những kế hoạch trên không chỉ giúp cân đối thu chi ngân sách mà còn bảo đảm rằng sự phát triển của TP. Huế diễn ra một cách bền vững, hài hòa giữa hiện đại và truyền thống.
PV: Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, lãnh đạo địa phương có những cam kết gì để họ yên tâm sản xuất, kinh doanh và “rót vốn” vào Huế?
Ông Nguyễn Văn Phương: Tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cam kết tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian,…; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai.
Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đảm bảo tính sẵn sàng trong kêu gọi đầu tư. Chuẩn bị nguồn cung lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu tư…
Mặt khác, nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế.
Đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Huế với vai trò là thành phố trực thuộc Trung ương cần phải nỗ lực hơn nữa thể hiện rõ vị thế, vai trò của mình để xứng đáng với niềm tin, mong đợi của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội, của Bộ Chính trị, Trung ương và cả nước về sự vươn mình của thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!