Tiền Giang: Mỏ cát "nằm im" không khai thác vì chờ đơn giá bán cát
UBND tỉnh Tiền Giang đã cấp phép khai thác 3 mỏ cát trên sông Tiền để phục vụ các công trình trọng điểm nhưng đến nay, chưa có mỏ cát nào chính thức hoạt động vì chờ đơn giá.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết, đến nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã cấp phép khai thác đối với 3 mỏ cát trên sông Tiền, gồm: mỏ cát Hòa Hưng 5 (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè); mỏ cát Vàm Cái Thia (xã Mỹ Lương và xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) và mỏ cát Hòa Khánh 1 (xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) với hình thức không qua đấu giá.
Tuy được cấp phép khai thác nhưng đến nay do chưa thống nhất đơn giá bán cát cho các nhà thầu nên chưa có mỏ cát nào tiến hành khai thác. Trong đó mỏ cát Hòa Hưng- 5 dù đã động thổ gần 2 tháng qua nhưng vẫn “án binh bất động”.
Hiện, các sở, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang thực hiện các trình tự, thủ tục để trình UBND tỉnh duyệt, công bố đơn giá vật liệu cát từ các mỏ cát trên.
Chính phủ giao tỉnh Tiền Giang cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cát cho các dự án như: Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m3; thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 4,55 triệu m3; Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 6,6 triệu m3; thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 0,95 triệu m3; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận khoảng 1,85 triệu m3.
Việc chậm khai thác các mỏ cát đã được quy hoạch, thăm dò tại tỉnh Tiền Giang đã làm kéo dài việc cung ứng nguồn vật liệu cát cho các dự án nêu trên.
Cũng theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh còn có 31 khu vực mỏ, với tổng trữ lượng theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ thông qua là khoảng 41,8 triệu m3. Trong đó, 18 khu vực mỏ đã cấp phép khai thác trước đây và đã hết hạn, tạm dừng khai thác từ năm 2013 và 13 khu vực mỏ đã cấp phép thăm dò, đã phê duyệt trữ lượng, nhưng chưa cấp giấy phép khai thác.